Ấn tượng Việt Nam

30/11/2009 08:15 GMT+7 | Yêu Hàng Việt

(Bài dự thi) - Tôi là  người sính hàng ngoại. Làm việc tại văn phòng đại diện  một công ty nước ngoài tại Việt Nam, tiếp xúc với văn hóa, con người, sản phẩm phương Tây càng làm tâm lý đó ăn sâu vào tính cách. Tôi ít hiểu biết về các thương hiệu Việt, thường chọn các sản phẩm mang nhãn mác ngoại, điều đó như một sự đóng dấu đảm bảo trong lòng tin và thói quen tiêu dùng của tôi.

Vợ tôi hiểu điều đó nên thường chọn mua hàng ngoại  để vừa lòng tôi. Những bộ quần áo mua cho tôi rất đẹp, đóng hộp dưới các thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới. Phòng làm việc 2 vợ chồng có một chiếc ghế mây – rất êm ái và thư giãn. Tôi nghĩ là hàng Nhật Bản vì thấy có mác giá ghi đồng yên. Và tôi có một sở thích đặc biệt, 1 loại trà sen độc đáo mà vợ tôi pha chế, có lẽ là loại mới của trà Dilmah.

Một dịp, tôi có đối tác nước ngoài mà đại diện của họ là trưởng phòng kinh doanh – một phụ  nữ Mỹ. Sau khi sang Việt Nam đàm phán, hợp đồng ký kết thành công, tôi ngỏ ý muốn mua tặng một món quà. Tôi nhờ vợ mua hộ. Sau này đối tác nữ gửi thư cảm ơn và nói rất ấn tượng với quà tặng đó. Chắc hẳn đó là một tặng phẩm đắt tiền, cao cấp, như bút Mont Blanc, hay trang sức nước ngoài nào đó.

Ngày  đặc biệt, sinh nhật vợ tôi. Cô làm sớm, để lại lời nhắn dặn tôi làm việc nhà giúp, và  buổi trưa đợi ở một quán ăn mà vợ tôi chọn. Tôi vui vẻ dọn dẹp nhà cửa. Đi vào phòng làm việc, xếp gọn tài liệu và giấy tờ….

Tôi thấy một hóa đơn mua hàng ở một cửa hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng là một bức tranh sơn mài với hình ảnh vịnh Hạ Long – kỳ quan thế giới của Việt Nam. Nhìn ngày mua trên tờ hóa đơn, tôi bất ngờ suy luận ra đó chính là món quà vợ tôi mua mà đối tác nữ rất yêu thích.

Dưới đó là catalog giới thiệu sản phẩm ghế mây, tre đan. Lật giở vài trang, tôi nhìn thấy chính mẫu ghế mây trong phòng làm việc mà tôi rất yêu thích, giá niêm yết bằng VNĐ, là hàng Việt, không phải của Nhật Bản như tôi vẫn nghĩ.

Tiếp tục công việc, tôi ngồi nghỉ, định pha một ly trà  sen như vợ tôi từng giúp tôi thư giãn mỗi khi căng thẳng. Mở hộp Dilmah trong tủ, không còn gói nào. Tôi lục tủ bếp và bất chợt thấy rất nhiều hộp trà Cozy Việt Nam. Lấy gói túi lọc, pha một ly trà nóng, tôi sửng sốt khi nhận ra đó là vị trà quen thuộc, hương sen đậm mà vợ tôi thường pha. Phải chăng chính vợ tôi đã cho những gói trà Cozy vào hộp của Dilmah để tôi nghĩ là trà ngoại?

11h trưa, tôi tìm một bộ quần áo lịch sự  để đi đến quán ăn. Lấy chiếc áo sơ  mi dài tay, chiếc quần âu, tôi ngắm mình trong gương. Xoay lại cổ áo, thật lạ khi mác áo bị ai đó cắt đi. Lục mấy bộ comple và những bộ quần áo ưa thích, tôi ngạc nhiên thấy điều tương tự. Tôi mở ngăn tủ vợ, và điều gây sốc nhất xảy ra: rất nhiều mác áo, nhưng không phải của John Henry, Armani…mà là những cái tên Việt Nam: sơ mi Việt Tiến, May 10, comple An Phước…được cắt ra từ quần áo của tôi.

Vào phút đó, trong bộ quần áo thời trang lịch lãm mà tôi tưởng là của Ý, Pháp, uống cốc trà với nguyên liệu và chế biến của Việt Nam trong vỏ Dilmah, tôi thấy mình đã đánh giá thấp hàng Việt. Thực sự nhiều hàng Việt Nam chất lượng không thua kém, thậm chí đầy cạnh tranh với hàng ngoại cùng loại. Và rào cản lớn nhất trong thói quen tiêu dùng của tôi chính là tâm lý sính ngoại, chạy theo nhãn mác, trong khi có cái nhìn thiên lệch ăn sâu vào suy nghĩ về hàng Việt Nam…

Quán ăn vợ tôi chọn thực sự ấn tượng và bất ngờ. Không có rượu tây, cũng không phải là một nhà hàng Hàn Quốc, sushi Nhật, mà là  không gian ẩm thực thuần chất Việt Nam – Nhà hàng Ngon. Kiến trúc với mái ngói, lán tre của thôn quê, ánh sáng từ những chiếc đèn lồng Á Đông, những mẹt ngô khoai, những gánh hàng bún riêu, bún ốc của phố cổ ngày xưa được tái hiện, thậm chí chị bán hàng cũng thấp thoáng bóng dáng cô hàng sén với áo nâu sòng, váy tứ thân. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa ẩm thực Việt Nam. Thưởng thức những món ăn dân dã mà tinh tế, để ý những vị khách nước ngoài tấm tắc bên cạnh, tôi suy ngẫm. Mô hình này đã làm được nhiều điều: họ hoàn thiện sản phẩm – những món ăn Việt đến độ tinh tế, cung cách phục vụ truyền thống và đậm bản sắc làng quên, và điều quan trọng nhất là, bằng không gian ấy, họ đã đưa vào sản phẩm của mình cái hồn, cái văn hóa thưởng thức tinh hoa của Việt Nam – một điều vô giá, tạo nên sức hấp dẫn giữ chân thực khách. Tôi chợt ý thức rằng, thói quen tiêu dùng của mình có một lỗ hổng lớn, lỗ hổng của sự thiếu trách nhiệm với hàng Việt, với những sản phẩm chính người Việt làm ra, và với cả những giá trị truyền thống kết tinh trong đó.

Một ngày khó quên, khi tôi biết: vợ tôi đã mua món quà thủ công của dân tộc tặng cho vị khách Mỹ, đã gói trà Cozy Việt Nam trong hộp Dilmah, thậm chí cắt những mác áo Việt Nam trong những bộ quần áo của tôi, tất cả để thay đổi tâm lý sính ngoại của tôi, để chứng minh cho tôi thấy: tôi cũng đang dùng và hài lòng với chất lượng sản phẩm Việt. Nhưng đối với tôi, đó lại là một cơ hội đặc biệt để tôi thay đổi cách nhìn hạn chế, bảo thủ của mình. Tôi dám chắc nhiều người trong chúng ta có phần nào suy nghĩ đó, vậy tại sao không cho chính mình một cơ hội được dùng thử hàng Việt, để tỉnh táo và công tâm đánh giá, so sánh sản phẩm người Việt mình làm ra, và rồi tự hào vì không thua kém sản phẩm nước ngoài?

Hiện tại, tôi đã biết đến nhiều sản phẩm Việt Nam có chất lượng ở nhiều ngành hàng: sữa Mộc Châu, Vinamilk, bàn ghế Xuân Hòa, nội thất Hòa Phát, thậm chí nhiều thương hiệu Việt bắt đầu lớn mạnh ở cả lĩnh vực công nghệ, điện tử như FPT Elead, VTB…

Buổi sáng sau sinh nhật vợ, trước khi đi làm, vợ tôi pha sẵn một ly café Trung Nguyên trên bàn. Tôi thưởng thức, không phải vị của Highland Coffee hay Starbuck tôi từng uống nhiều ở cơ quan, mà là một hương vị đặc biệt, độc đáo, khó quên và không thể trộn lẫn, một hương vị, RẤT VIỆT NAM.
 
Trần Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm