Những album Chill-out đáng nghe nhất (Bài 2)

22/12/2011 05:43 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Có thể bạn đã nghe mòn tai những Café Del Mar hay Buddha Bar…, những album chill-out được nhiều người biết đến nhưng dưới đây sẽ là những album đáng nghe hơn cả.

Chill-Out, The KLF, 1990

Chill-out của KLF chắc chắn là một trong những album hàng kinh điển của chill-out, bởi sự đột phá trong âm thanh và thời điểm ra đời. 14 ca khúc tiếp nối nhau, không ngắt quãng, xuyên suốt album 44 phút, mô tả chuyến hành trình thâu đêm từ Texas đến Louisiana. Từng ca khúc mở đầu cho ca khúc kế tiếp và kết lại ca khúc trước đó một cách liền lạc, và điểm thú vị nhất chính là toàn bộ đều được thu trong một lần chứ không hề qua biên tập, xen giữa những sample vô cùng sáng tạo từ những cái tên quen thuộc như Fleetwood Mac, Elvis Presley hay Van Halen và những cái tên khác hoàn tòa xa lạ. Thành quả của nhiều giờ đồng hồ ngẫu hứng sáng tác miệt mài, chill-out có mặt trên hầu hết các bảng xếp hạng tên tuổi về nhạc điện tử nói riêng và âm nhạc nói chung với thứ hạng chót vót, trong đó trang web MigMax đã xếp chill-out vào Top 5 album nhạc dance xuất sắc nhất mọi thời đại.

Dummy, Portishead, 1994

Dummy của Portishead quy tụ tất cả những gì tinh túy nhất của dòng nhạc nhóm có công hình thành và phổ biến - trip hop. Bằng chứng là không chỉ thành công về mặt doanh thu (vị trí thứ 2 trong bảng UK Album Chart) mà nó còn dành được những giải thưởng vô cùng danh giá như giải Mercury Music và nhận được không ngớt khen ngợi từ những tạp chí, trang web vô cùng khắt khe như BBC, Rolling Stone,… Giọng hát sầu não và quyến rũ của Beth Gibbons, tiếng piano và programming mê hoặc các loop nhạc, khôn cưỡng của Geoff Barrow là những ấn tượng mạnh mẽ ngay từ lần nghe đầu tiên.

Protection, Massive Attack, 1994

Không thể không nhắc tới Protection của Massive Attack mỗi khi nhắc đến chill-out “nguyên bản”. Tạp chí danh tiếng Rolling Stone cho rằng đây là “một album tuyệt vời dành cho bất kỳ ai đang lái xe vào lúc 4 giờ sáng”. Protection cũng có tên trong cuốn sách “1.001 album phải nghe trước khi chết”. Album này có chất nhạc điển hình của Massive Attack, pha trộn từ blues, tới R&B, cả rap/hiphop nhưng vẫn tạo ra một hỗn hợp riêng có của mình.

Moon Safari, Air, 1998

Là sản phẩm đầu tay của bộ đôi tài năng Air đến từ Pháp, Moon Safari đã đạt được những thành công ngoài mong đợi khi nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình và các trang web uy tín. Ra mắt người yêu nhạc lần đầu năm 1998. Đến nay bất chấp lời ra tiếng vào, Moon Safari vẫn là lựa chọn số một của những tín đồ chill-out trung thành nhất. Tạp chí NME cho rằng đây là sự kế tục các chuyến hành trình bằng âm thanh của Beach Boys ngày trước. Air không theo lối mòn tìm kiếm các chất liệu phương Đông hay Brazil xa xôi, mà lại khai thác trên chính những chất liệu thuần da trắng, của nhạc nền, nhạc phim Ý và nhạc lounge xưa.

Play, Moby, 1999

Vừa ra mắt, Play đã được coi như một hiện tượng trong làng giải trí âm nhạc khi thống trị các bảng xếp hạng trên thế giới suốt 2 năm liên tiếp với chuỗi 9 single trở thành hit (trên 18 ca khúc). Theo các nhà phân tích, bí quyết thành công của Play là đã khéo léo kết hợp giữa những giai điệu gospel với các đoạn nhạc folk, và thêm vào cả một chút âm hưởng hiện đại của các loại nhạc đương thời như big house... Tính đến thời điểm này, Play vẫn giữ vị trí số 1 trong số các album chill-out bán chạy nhất trên thế giới với con số 38 triệu đĩa bán ra.

Bài 3: Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Từng bị ảnh hưởng từ chill-out

Phong Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm