Kinh điển PSG – Marseille: Cấm CĐV đội khách bén mảng đến sân

12/10/2011 11:13 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH)- Bộ Nội vụ Pháp đã quyết định trận lượt đi và về giữa PSG-Marseille tại Ligue 1 sẽ không có sự xuất hiện của CĐV đội khách. Phán quyết này được đưa ra không phải để trừng phạt 2 CLB hàng đầu của đất nước, mà đơn giản nó muốn trận chiến chia nửa đất nước hình lục lăng này tránh khỏi nguy cơ đổ máu vì những trận chiến giữa các CĐV.

Trận derby sông Rhones giữa Lyon và St.Etienne, hay derby miền Bắc giữa Lens và Lille đều là những cuộc chạm trán nóng bỏng, nhưng trận chiến chia nước Pháp làm hai nửa thì chỉ có một: Le Classique giữa PSG và Marseille. Hôm qua, Bộ nội vụ Pháp vừa ra phán quyết trận lượt đi PSG-Marseille, vào ngày 27/11, và trận lượt về, ngày 7 hay 8/4/2012, sẽ diễn ra với tình trạng đóng cửa các khán đài cho CĐV đội khách.

Đó là quyết định được đưa ra sau cuộc họp bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, sau một cuộc họp giữa các . Cảnh sát trưởng Paris, ông Stephane Bouillon, và ông Jean-Pierre Hugues, Giám đốc điều hành của Ban tổ chức Ligue 1, cùng các chủ sở hữu của 2 CLB, đều nhất trí rằng: Cho dù có huy động tất cả nhân viên an ninh của thủ đô tại Công viên các hoàng tử vào tháng 11 tới, cũng chẳng thể ngăn chặn được bạo lực bùng phát từ hàng vạn CĐV. Và khi tất cả đều bất lực giơ tay đầu hàng, giải pháp duy nhất còn lại chỉ có thể là cấm không cho các CĐV đội khách đến sân.



Những góc khán đài trống vắng này sẽ còn xuất hiện nhiều trong các trận Kinh điển nước Pháp?- Ảnh Getty

Lịch sử đẫm máu

PSG là đội bóng đại diện cho Paris, trái tim của đất nước. Còn Marseille đại diện cho thành phố cảng lớn nhất miền Nam. Không chỉ người Marseille, ở các thành phố phía Nam, họ đều không mấy thân thiện với dân thủ đô. Và cũng không mấy khó khăn để hình dung ra cách các nhóm Ultra của 2 CLB “hành xử” ra sao mỗi khi có cơ hội  gặp lại nhau.

Giống như năm ngoái, chính phủ đã đặc biệt để mắt tới Le Classique vì những lý do an ninh. Họ luôn lo sợ sự xung đột thái quá sẽ trở nên không có điểm dừng, để rồi lan tỏa ra xung quanh và gây ra hậu quả khôn lường. Thảm cảnh mà thủ đô London của Anh vừa hứng chịu hồi tháng 8 vẫn còn đó. Những tổn hại nặng nề về tinh thần và vật chất cho xứ sương mù sẽ là bài học quý giá với Pháp.

Những vụ va chạm giữa các CĐV PSG và Marseille luôn tiềm ẩn nguy cơ cao nhất trong số những trận cầu căng thẳng tại Ligue 1, thậm chí vượt xa những trận mang tính chất derby hay quyết định cho chức vô địch.  Khi Le Classique được diễn ra tại sân Velodrome, các quan chức Marseille luôn phải huy động lực lượng cảnh sát của cả thành phố hay khu vực lân cận. Dù vậy, sau tất cả các trận quyết đấu trong cũng như ngoài SVĐ, bất chấp kết quả như thế nào, nếu may mắn thì thành phố sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn trong vài giờ đồng hồ. Còn không, dân chúng chỉ còn biết trốn trong nhà trong khi tiểu thương đóng cửa hàng và cầu nguyện trong phần còn lại của ngày.

Ngày 25 tháng 10 năm 2009, bất chấp trận kinh điển giữa PSG-Marseille bị hoãn vì đại dịch cúm A/H1N1, các CĐV khách vẫn lấy cớ đó để gây náo loạn thủ đô. Đây được coi là một ngày đen tối và hổ thẹn của nền thể thao Pháp khi những kẻ quá khích còn dựng hàng rào để đối chọi với cảnh sát và CĐV đối thủ trong nhiều giờ trên các tuyến phố. Hỗn chiến tràn lan gần như khắp mọi nơi và sau khi mọi chuyện được giải quyết, Paris đã tan nát như vừa bị một cơn lũ quét qua.

Mùa trước, Pháp cũng đóng cửa các khán đài cho CĐV khách ở 2 lần PSG và Marseille đụng độ nhau (vòng 12 ngày 8/11/2010 tại Paris và vòng 28 ngày 21/3/2011). Cả hai trận Le Classique trên đều kết thúc với tỷ số 2-1 nghiêng về đội chủ nhà. Đỉnh điểm của bạo lực là cái chết của một CĐV 38 tuổi có tên viết tắt là Yanni L. Điều đáng nói là trước trận ấy, các CĐV Marseille cũng đã bị cấm đến Paris, nhưng nạn nhân vẫn tử vong trong bệnh viện chỉ 20 ngày sau một cuộc giao tranh “nội bộ” giữa chính 2 nhóm Ultras của PSG.

Hy vọng ngày 27/11 tới, bi kịch trong quá khứ sẽ không lặp lại.

Hà Dương


Không có lối thoát

Có lẽ lệnh cấm cửa CĐV khách là không thể khác được. Họ chẳng có lựa chọn nào khác bởi sự thù địch giữa CĐV 2 đội chẳng bao giờ hòa giải nổi. Hơn nữa, tư tưởng chống đối của CĐV với nhà chức trách cũng gay gắt không kém. Hồi tháng 3, Pháp đã “nhân nhượng” khi để 1,000 CĐV PSG tới Velodrome trong sự hộ tống sát sao của cảnh sát. Nhưng mới chỉ đến điểm dừng chân thứ 2 của chặng đường, một số Ultra đã kích động và tẩy chay chuyến đi vì cho rằng bị đối xử hà khắc. Sau đó, thậm chí nhiều kẻ còn chây lỳ không chịu quay về Paris.





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm