Chuyện “cụ” RÙA và “cụ” NGƯỜI

09/03/2011 10:53 GMT+7

(TT&VH) - Giữa lúc cả Hà Nội xôn xao vì “cụ” rùa, và đặc biệt hôm qua, hàng ngàn người đã đến tận nơi để chứng kiến cảnh quây bắt cụ rùa nhưng bất thành; thì lại có người so sánh sự quan tâm của dư luận dành cho cụ rùa với chuyện con ngựa quý của Sở Trang Vương. Tích cũ: Vua Sở có con ngựa quý, khi chết muốn làm ma cho nó với nghi thức dành cho quan đại phu. Sau nhờ trung thần khuyên can, nhà vua đã tỉnh ngộ và hiểu ra rằng chỉ nên đối xử với nó như một con vật. Đó là bắc bếp làm thịt, chôn vào... bụng người ta (Xem “Khi cụ Rùa bỗng thành vơ - đét”, Tuanvietnam.net).

Dĩ nhiên đây chỉ là cách so sánh, nhưng qua việc tác giả phê phán những biểu hiện lo lắng “thái quá” về cụ rùa tôi lại thấy lập luận của tác giả bộc lộ nhiều “bất cập”. Thứ nhất tác giả nghĩ rằng việc người dân sùng kính cụ rùa vì cụ thuộc tứ linh trong tín ngưỡng dân gian, và cho rằng “nếu chúng ta quá thậm xưng thần Rùa (xét từ góc độ tín ngưỡng) thì cũng nên nghĩ rằng biết đâu lúc nào đó thần Rắn, thần Chim, thần Lửa, thần Nước, thần Sông, thần Núi... và biết bao thần khác cũng “sổ suýt, bất an” như cụ rùa. Lúc đó, liệu chúng ta có chu đáo-tin cậy như đối với “cụ” linh quy hồ Gươm hay không”?

Cụ rùa giữa muôn trùng lưới giăng ngày hôm qua 8/3
(Ảnh: Vũ Ngọc)

Theo tôi, cụ rùa là linh vật gắn liền với huyền thoại, do đó những người đứng trên bờ quan tâm đến cụ rùa hoàn toàn không phải là những người sùng bái một con vật theo tín ngưỡng của mình. Đơn giản họ là những người có tri thức, kiến thức lịch sử văn hóa. Họ chiêm ngưỡng một huyền thoại sống. Nhân đây cũng phải nói, huyền thoại trả gươm là một huyền thoại đẹp, có giá trị giáo dục lịch sử, hoàn toàn không phải một chuyện dị đoan. Tất nhiên, vẫn có những người đứng trên bờ hồ lễ bái cụ rùa, hay tin vào những điều huyễn hoặc, dị thường về cụ. Song số đó là thiểu số. Thiểu số đó luôn tồn tại, chẳng cứ họ sùng bái cụ rùa, mà đến gốc cây, hòn đá ở đâu đó họ cũng đến vái lấy vái để.

Sự sùng tín một loài vật không hề mâu thuẫn với... chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà đó thuộc vấn đề tâm linh. Trên khắp dải bờ biển Việt Nam, nơi nào chẳng gọi cá voi là cá ông. Đền thờ, nghi lễ thờ cá voi tồn tại ở khắp nơi. Chúng ta đều thấy đó là văn hóa, đó là niềm tin của người dân chài gửi gắm vào loài vật oai linh của biển khơi.

Thứ 2, quan tâm đến cụ rùa như thế có phải là thái quá không? Tác giả bài viết lo rằng trong xã hội hiện còn nhiều thứ đáng quan tâm khác, đó là những “cụ NGƯỜI” lang thang, cơ nhỡ nằm cầu, ngủ quán...

Sự so sánh này là vô cùng khập khiễng. Một con thiên nga bị mắc kẹt trong băng, mà người Đức điều cả đội lính cứu hỏa đến cứu (sau mới biết đó là con thiên nga bằng nhựa)...

Tôi đã vào những Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, tôi đã thấy những phụ nữ Tây đẹp như tiên, suốt đời gắn bó với những con thú cần cứu giúp, có cô “quên” cả việc lấy chồng.

Việc cứu hộ các loài vật hoang dã quý hiếm chẳng phải là điều gì xa xỉ, mà đã trở thành một “thiết chế” với các trung tâm cứu hộ được thành lập trên nhiều tỉnh thành cả nước. Chả ai vì thế mà đặt vấn đề, nên xây... trại dưỡng lão cho các “cụ” NGƯỜI thì hữu ích hơn!

Sự quan tâm chăm sóc đôi khi là “thái quá” của cả xã hội đối với một cá thể động vật nào đó là chuyện bình thường. Sự “thái quá” ấy luôn là cú hích để tái lập lại sự cân bằng trong xã hội, khi sự vô cảm của con người ngày càng lớn, khi thiên nhiên và các loài vật bị đe dọa ở khắp nơi. Sự “thái quá” ấy lại có ý nghĩa thức tỉnh cả xã hội.

Vì thế, không có gì phải lo lắng, nếu như xã hội quan tâm hơi “thái quá” đến cụ rùa. Có thể lấy làm vui mừng, vì vẫn còn nhiều người trong xã hội biết xót xa khi nhìn thấy bàn chân cụ rùa lở loét bấu lên bờ và sức khỏe cụ có vấn đề nghiêm trọng.

Vì thế việc dư luận nói đi nói lại, cập nhật liên tục về sức khỏe của cụ rùa, trăn trở với các nhà khoa học đang cứu cụ rùa, thì cũng là lẽ thường thôi. Hy vọng các “bác sĩ” sẽ bình tĩnh cứu chữa cho cụ rùa, không để sức ép dư luận làm cho rối lòng. Mà đã là “bác sĩ” thì sợ gì sức ép nhỉ?

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm