Phải giữ Đàn Xã Tắc

09/05/2013 06:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận xét của ông Bùi Danh Liên (chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội) dường như khiến giới khảo cổ bị “sốc” thêm lần nữa trong buổi tọa đàm về Đàn Xã Tắc vào sáng qua 8/5. Trước đó, ông Liên từng đề nghị ưu tiên xây cầu vượt qua di tích này với lí do... không nên luyến tiếc những tàn tích của phong kiến.

Khu vực Đàn Xã Tắc luôn là nút tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm

Rất đông người có mặt, dù đây chỉ là cuộc tọa đàm mang tính “phi chính thống” do tạp chí Tia sáng tổ chức. Và, với tính chất “dân chủ, thoải mái” được Ban tổ chức đề nghị, cả ông Liên và TS Nguyễn Hồng Kiên  (phụ trách cuộc khai quật năm 2006) đều khá vui vẻ khi bảo vệ ý kiến của mình.

“Tôi rất trân trọng anh Kiên và giới sử học nên sẵn sàng tới đây để chia sẻ. Chia sẻ chứ không phải tranh luận, bởi cách nhìn của chúng ta khác nhau và rất khó thống nhất” - ông Liên nói. Trước ông, ý kiến của nhà sử học Bùi Thiết đã nhận được nhiều tràng vỗ tay với lời khẳng định: “Phải giữ Đàn Xã Tắc. Không chỉ bảo vệ phần ngầm dưới đất hay trên bề mặt, mà cần bảo vệ cả khoảng không gian lớn phía trên nó”.

“Tôi được đọc các ý kiến rằng phá Đàn Xã Tắc, là mất dân, mất nước. Hoặc, có vị bảo làm đường như thế là chạy trên đầu tổ tiên. Thật lòng, mong các nhà khoa học đừng dọa dân như thế” - ông Liên nói. “Nếu đặt ngược vấn đề, tại sao không hỏi tội những người từng phá Đàn Xã Tắc và biến nó thành hoang phế như trước đây? Hay, họ cũng nghĩ là Đàn Xã Tắc không đủ giá trị nên không cần gìn giữ?”.

Câu hỏi của ông Liên khiến nhiều chuyên gia kiến trúc mỉm cười. Trước đó, ý kiến của TS Vũ Thế Khanh, một nhà nghiên cứu về kiến trúc, cũng nhận được những nụ cười tương tự. Theo ông Liên, Đàn Xã Tắc quý, nhưng việc phát triển đường vành đai I cũng cần. Phương án hợp lý nhất là nên... làm trụ, “nâng bổng” đàn Xã Tắc lên cao để không cản trở giao thông.

TS Nguyễn Hồng Kiên giải thích ngắn gọn: việc đàn Xã Tắc bị dẹp bỏ và dần trở thành phế tích là do tội của... lịch sử - khi nhà Nguyễn dời đô vào Phú Xuân và lập một Đàn Xã Tắc mới tại đó. Bởi vậy, cách đặt vấn đề của ông Liên là chưa hợp lý.

Rất nhiều ý kiến tranh luận khác cũng xuất hiện được đưa ra trong cuộc tọa đàm với tên gọi Đàn Xã Tắc nên bảo vệ hay không này. Tuy nhiên, cũng do tính chất “mở rộng” vấn đề, nên phần lớn nội dung thảo luận xoay sang các tranh cãi về tính chất và hình dạng của Đàn Xã Tắc, chứ không hướng vào trọng tâm như ý muốn của BTC. Đáng chú ý, một vài nhà khảo cổ vẫn tỏ ra nghi ngờ, thậm chí là phủ định về quan điểm: cụm di tích đang nằm dưới lòng ngã tư Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu là Đàn Xã Tắc trong lịch sử.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm