Đoàn phóng viên Thể thao & Văn hóa/TTXVN đặt chân tới Singapore: Thăm nơi tốn 1 tỉ đô để đón SEA Games

25/05/2015 05:15 GMT+7 | SEA Games 2015

(Thethaovanhoa.vn) - Có mặt tại Singapore từ ngày 23-5 cho SEA Games 28, phóng viên TT&VH ghi nhận rằng tất cả chỉ còn thiếu một bầu không khí cuồng nhiệt là hoàn hảo.

 Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Sports Hub (Khu liên hiệp thể thao quốc gia Singapore) vừa mới được xây dựng cách đây không lâu để chuẩn bị cho việc tổ chức SEA Games 28 sẽ khai mạc ngày 6/6.

Chưa tranh tài thì phục vụ dân

Nơi vẫn được coi là trái tim của đại hội với một quần thể kiến trúc các công trình xây dựng hoành tráng, hiện đại, đồ sộ và là tổ hợp thể thao, giải trí, thương mại trên diện tích khoảng 35ha vẫn chưa có nhiều “dấu hiệu” về SEA Games 28.

Cảnh quan sạch đẹp và rất thân thiện với môi trường ở Sports Hub đem lại cảm giác khá thanh bình cho những ai đặt chân đến khu vực này. Có rất ít băng-rôn, biểu ngữ về SEA Games 28 được treo tại các nhà thi đấu và khu vực sân vận động, cho dù cả hệ thống cơ sở vật chất của Sports Hub với mức đầu tư xây dựng lên đến khoảng 1 tỷ đô la Mỹ đã sẵn sàng cho các cuộc thi đấu của SEA Games. Thậm chí ngay trong sáng ngày thứ 7, toàn bộ các khu vực phía ngoài các khán đài SVĐ Quốc gia Singapore (thuộc quần thể Sports Hub) vẫn mở cửa miễn phí để đón những người dân sống ở các khu vực lân cận vào đây tập thể dục rèn luyện sức khỏe.  

“Chúng tôi vẫn thường đến đây tập luyện với nhóm của mình từ khi khu vực này xây dựng xong. Đây là một nơi rất tuyệt vời, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều khi thực hiện xong các bài tập và hít thở bầu không khí nơi đây. Còn SEA Games ư? Hi vọng là các VĐV Singapore sẽ giành được nhiều huy chương ở đây”, chị Rosalind, một người dân Singapore tập luyện tại đây chia sẻ.


Những công trình tiêu chuẩn Olympic

Có thể nước chủ nhà chưa trang hoàng cho các công trình thể thao đồ sộ và hoành tráng của mình để mang tới một diện mạo thực sự lộng lẫy cho SEA Games 28 là vì công việc này khá đơn giản và vẫn còn rất nhiều thời gian để làm điều đó. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là giá trị tự thân của các công trình thể thao phục vụ SEA Games 28 đã quá đủ để nói lên, Singapore mong muốn điều gì khi là nước chủ nhà ở SEA Games lần này.

Những kỷ lục trong xây dựng Sports Hub và tiêu chuẩn của hệ thống cơ sở vật chất thi đấu tại đây, chắc chắn đem đến cho các VĐV những trải nghiệm có lẽ chưa bao giờ họ từng có được ở một kỳ SEA Games từ trước tới nay và tất cả điều này sẽ tiếp sức cho các anh tài thể thao khu vực chinh phục những đỉnh cao mới về thành tích thi đấu.

Chưa có kỳ SEA Games nào được dự báo sẽ mang đến nhiều cuộc đua khốc liệt về chuyên môn như kỳ đại hội lần này. Việc Singapore gạt bỏ rất nhiều môn và nội dung thi đấu chiếm lĩnh số lượng huy chương lớn và thường xuyên xuất hiện ở đấu trường Đông Nam Á, mà thay vào đó là 27 môn Olympic trên tổng số 36 môn thi đấu cũng đã cho thấy nền thể thao của quốc đảo sư tử đang nhắm đến mục tiêu nào trong tương lai gần.

“Chiến thắng ở giải đấu nào cũng là cần thiết, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu Singapore có những vận động viên giành được huy chương ở các đấu trường lớn của thế giới như Olympic. Tôi luôn hi vọng và ủng hộ cho cách làm như vậy”, anh Azahar - một tình nguyện viên của SEA Games 28 cho biết khi được hỏi về hi vọng của anh trước khả năng liệu đoàn thể thao Singapore có thể đứng số 1 ở SEA Games 28 hay không?

Và với một vài lý do nêu trên, đã có thể hiểu vì sao, SEA Games 28 vẫn chưa (hoặc có thể sẽ không) “rực rỡ” sắc màu về hình thức như nhiều kỳ đại hội trước đây.

Kỷ lục của thể thao Singapore ở SEA Games 28

- 1 tỷ USD: Khu Liên hợp thể thao quốc gia Singapore (Sports Hub) khánh thành ngày 30/06/2014 với diện tích 35ha, với số tiền đầu tư xây dựng ước tính lên đến 1 tỷ USD tại Kallang đang được ví như một kỳ quan thể thao thế giới. Đây là một tổ hợp thể thao với nhiều điểm nhấn đặc biệt như SVĐ quốc có sức chứa 55.000 chỗ ngồi, NTĐ trong nhà Singaporevới sức chứa 12.000 chỗ ngồi, NTĐ OCBC Arena (có thể tổ chức tập luyện, thi đấu 5 môn thể thao), Cung thể thao dưới nước OCBC (có khán đài với sức chứa 3.000 chỗ ngồi), Bảo tàng thể thao Singapore, Thư viện Sports Hub, Trung tâm thương mại Kallang Wave (diện tích 41.000m vuông)… Không chỉ là trung tâm thể thao, giải trí và các dịch vụ khác, Sports Hub cũng được kỳ vọng là bệ phóng cho thể thao Singapore trong nhiều năm tới đây.

- 50 triệu SGD: Đây là giá trị số tiền tài trợ (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật) mà Ban tổ chức SEA Games 28 đặt mục tiêu sẽ vận động được khi Singapore tổ chức SEA Games 28. Cơ sở để thực hiện điều này là sự phát triển rất mạnh về công nghệ, kỹ thuật số và các mạng xã hội ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Singapore sẽ thu hút được tài trợ thông qua phối hợp phát triển với các đối tác là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có nhu cầu tăng thị phần và nâng cao giá trị thương hiệu nhân dịp SEA Games 28.

- 749 VĐV: Với lợi thế chủ nhà, đoàn thể thao Singapore sẽ có tổng số 749 VĐV và 230 quan chức tham dự SEA Games 28. Đây là số lượng kỷ lục về thành viên của đoàn thể thao Singapore dự SEA Games từ trước tới nay và vượt xa con số 483 VĐV từng dự SEA Games 17 (năm 1993) từng được tổ chức tại đây. Các VĐV Singapore tham dự 36/36 môn tại SEA Games 28 và có một điều rất đặc biệt, 2 VĐV đua thuyền buồm Anthony Kiong and Colin Ng từng giành HCV 22 năm trước vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành HCV lần này.


Vũ Lê (từ Singapore)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm