02/11/2012 09:01 GMT+7
(TT&VH) - 1. Ngay sau thảm án Lê Văn Luyện, một cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra: Có nên sửa luật, hạ độ tuổi chịu án tử hình xuống để ngăn chặn những phiên bản Luyện thứ... n?
Không phải nghi ngại quá lâu, vài tháng sau dư luận đã có câu trả lời. Vụ án tại xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, tên Lê Tuấn Anh 16 tuổi đã hãm hiếp, giết hại nạn nhân 17 tuổi Nguyễn Thị Bích Ngọc rồi ném xác xuống sông phi tang. Trước cơ quan điều tra hắn thản nhiên: “Cháu có họ hàng với Lê Văn Luyện”. Nó ý thức được, nó dưới 18 tuổi, không bị tử hình, vì thế nó thản nhiên với tội ác của mình.
Thực tế, Luyện cũng không hề sợ hãi khi đứng trước vành móng ngựa.
Liệu sẽ còn bao nhiêu tên tội phạm nhí dựa vào "miễn tử kim bài" mang tên Lê Văn Luyện để gây tội ác? Câu trả lời: chắc chắn có. Nhưng có sửa luật hay không lại là vấn đề khác, nó phải nằm trên bàn nghị trường Quốc hội.
2. Ngày hôm qua, cái tên Luyện đã được nhắc trên nghị trường Quốc hội. Vấn đề sửa luật, hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã được một số đại biểu nêu ra.GS-TS, thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội nêu lại những con số giật mình. Hàng năm có đến gần 18 nghìn trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15-18% tội phạm. Trong 5 năm, từ năm 2007 - 2012 có tới gần 76 nghìn đối tượng người chưa thành niên phạm pháp. Cơ cấu tội phạm chưa thành niên rất phức tạp, cướp, giết, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, xâm phạm an toàn công cộng, các tội phạm về kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, mãi dâm, chống người thi hành công vụ... Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí.
Đặc biệt là người chưa thành niên thực hiện phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người. Vị đại biểu kết luận: "Tôi thấy diễn biến đang rất xấu".
Vấn đề đặt ra là sau những vụ cướp, giết dã man như vậy nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó, khiến tâm lý coi thường pháp luật trong vị thành niên gia tăng. Dư luận nhân dân từng bức xúc cho rằng Nhà nước quá nương nhẹ, cử tri cho rằng lương tri xã hội đang bị thách thức. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng: "Rõ ràng lương tri và trách nhiệm đang thách thức chúng ta, vậy giải pháp thế nào cho vấn đề này?"
3. Dù nhiều người đòi sửa luật, tăng mức phạt, nhưng nguyên tắc, sửa luật không được trái với những cam kết quốc tế của nước ta về bảo vệ trẻ vị thành niên, như Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Quy tắc Bắc Kinh về áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên.
Nhưng sửa luật hoàn toàn có thể làm được. Về mặt pháp lý, Công ước về quyền trẻ em xác định trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, nhưng cũng ghi rõ trừ trường hợp pháp luật từng nước áp dụng đối với các em có quy định tuổi thành niên sớm hơn. Trong bản hướng dẫn của Liên hợp Quốc về phòng ngừa người chưa thành niên phạm pháp cũng không xác định tuổi thành niên và nói rằng tùy theo pháp luật của mỗi nước. Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16.
Có thể thấy, để có chế tài ngăn chặn những phiên bản Lê Văn Luyện tiếp theo là có thể làm được. Điều dư luận trông mong là Quốc hội bàn thảo sao cho thấu tình đạt lý, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo.
Điều này chắc chắn tiếp tục bàn cãi nhiều, có lẽ ngay cả trong quý vị khi đọc bài viết này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất