"Thảm họa" lịch sử?

24/09/2011 07:37 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Một bộ phim nhằm góp phần chống... thảm họa môn Sử lại biến thành một “thảm họa lịch sử”. Đó là tập Bài học lịch sử trong series phim Những phóng viên vui nhộn vừa được phát trên sóng truyền hình.

Trong phim, nhân vật khi khoe khoang kiến thức lịch sử của mình đã nhầm lẫn một cách tệ hại: Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đặt tên nước là... Đại La! Đến một đứa trẻ cũng biết, Đại La chưa bao giờ là tên nước cả, chỉ là tên của tòa thành thời “tiền Thăng Long” mà thôi. Khi Lý Công Uẩn đời đô thì tên nước vẫn là Đại Cồ Việt, sau đó Vua Lý Thánh Tông đổi thành Đại Việt.


Kịch bản phim "Những phóng viên vui nhộn" đã có những nhầm lẫn đáng tiếc về lịch sử

Thảm họa lịch sử có mặt ở khắp mọi nơi, đúng như “tiên báo” của nhân vật trong phim, chỉ có điều người ta không thể ngờ là nó lại có và đậm đặc ở ngay trong bộ phim muốn “giáo huấn” thiên hạ này. Trước đó, một nhân vật sau khi đùa giỡn rằng Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở... Trung tâm hội nghị Quốc gia, cũng đã nhầm tai hại khi bật mí rằng ở Hội nghị Diên Hồng. Có mỗi chuyện “bóp nát quả cam” thôi mà hậu thi sinh ra lắm “thảm họa lịch sử”. Chắc chúng ta còn nhớ năm ngoái, trong tập thơ Lời thương mở lối của một NXB, người ta đã gắn tích “bóp nát quả cam” vào... Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn!

Thật ra, nhầm lẫn giữa Hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than cũng có thể hiểu và thông cảm được. Bởi tôi dám chắc rằng có không ít người xem sẽ không phát hiện ra nhầm lẫn ở đâu. Thực chất, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở Hội nghị Bình Than, một hội nghị quân sự do Vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng chống quân Nguyên Mông lần thứ 2. Còn Hội nghị Diên Hồng diễn ra vào tháng Chạp năm 1284 do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão để hỏi về chủ trương hòa hay chiến.

3. Cũng xin tiết lộ thêm là chính người viết bài này cũng phải sử dụng đến... Google để phân biệt giữa Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng kể trên.

Không chỉ các nhà làm phim, mà có lẽ tất cả chúng ta đừng bao giờ quá tự tin vào... trí nhớ của mình. Mặc dù lịch sử đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về các con số, sự kiện, nhưng cũng đòi hỏi sự suy nghĩ và khám phá không ngừng về ý nghĩa của nó. Chẳng hạn nhân viết bài này, tôi cảm thấy rất lý thú khi nhận ra rằng, nhà Trần đã bàn kế sách, chiến lược đánh giặc ở Hội nghị Bình Than 2 năm trước khi hỏi các bô lão “nên đánh hay nên hòa” ở Hội nghị Diên Hồng. Phải chăng, câu hỏi nghi vấn ấy được nhà Trần nêu ra thực chất là để biến thành câu khẳng định đã có từ trước: Phải đánh! Nếu quả vậy thì bài học về “lòng dân” mà nhà Trần để lại trở nên thấm thía biết bao, mà chúng ta còn phải tìm tòi, khám phá nhiều nữa mới có thể hiểu hết.

Nobita

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm