03/11/2012 14:31 GMT+7
(TT&VH) - “... còn muốn làm quan thì thôi làm hề. Bằng không, quan thì dở mà hề lại nhạt”. Khi vua Lý Thánh Tông muốn phong quan cho mình, chú hề già trong Bài ca giữ nước (Tào Mạt) chối khéo bằng lý do rất... chuyên môn ấy.
Nếu hiểu “hề” theo cái nghĩa rộng về người nghệ sĩ, thì khái niệm quan bây giờ cũng không còn bó hẹp như xưa. Bởi thế, từ vài chục năm nay, câu thoại để đời của cụ Tào Mạt vẫn thường xuyên được giới sân khấu lấy ra ngâm nga. Nôm na, cái khó của anh nghệ sĩ hay xảy đến khi bị “ghép” thêm vai trò quản lý. “Hề” bỗng thành “quan”, “quan” thì hữu hạn - trong khi “hề” trước đó là nghiệp cả đời. Rồi từ đấy, không ít người làm “quan” thèm được quay về với phận “hề”. Khổ nỗi, hai “nghề” khác hẳn nhau, cái vốn để làm “hề” sau ngần ấy năm làm “quan” lại trở nên nhạt phai mòn mỏi...
Cũng cần nói rõ, lời chú hề già được giới sân khấu trích dẫn không chỉ với nghĩa chê bai. Nếu thử thống kê, các đạo diễn kiêm giám đốc nhà hát cũng thường xuyên nhắc tới câu này như một lời than về “kiếp nạn” của mình. Bởi, không ít người cho rằng họ phải thành “quan” cũng chỉ bởi lối mòn tư duy từ bao năm nay: lần lượt, những nghệ sĩ giỏi đều bị “đôn” lên kiêm nhiệm “nghề” quản lý - vốn đòi hỏi rất nhiều thứ khác.
Đơn cử, theo nghề từ cách đây vài chục năm, không ít đạo diễn hay diễn viên đều bén duyên với sân khấu bằng lối học truyền nghề. Họa hoằn thì họ có dịp theo học tại những trường trung cấp mới mở ra của một nền sân khấu còn non trẻ. Những NSND Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng (Trường Sân khấu VN) hay Chí Trung, Anh Tú, Lan Hương (lớp đào tạo của Nhà hát kịch Tuổi trẻ) cũng đều có chứng chỉ đầu tiên cho nghề là tấm bằng trung cấp ấy. Để rồi, tới lúc “bị” chỉ định làm quản lý, họ bắt buộc phải đi học thêm tấm bằng đại học với nghề đạo diễn để hoàn thiện bản lý lịch theo yêu cầu.
Bởi thế, những lùm xùm về việc Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội bị nghi thiếu bằng cấp III vừa qua, hay chuyện Giám đốc Nhà hát kịch VN bị miễn nhiệm vài năm trước (vì thiếu bằng đại học) càng khiến người ta nhớ về câu “làm hề, làm quan” của cụ Tào Mạt. Tạm bỏ qua lý do cá nhân của họ, vẫn không thể phủ nhận: cách tổ chức tại các đoàn sân khấu hiện nay rất dễ làm mất đi những nghệ sĩ giỏi để mang lại những lãnh đạo... có thể không giỏi lắm!
“Quan” giỏi hay “hề” hay đều cần. Nhưng, hãy để cả “quan” lẫn”hề” được làm đúng công việc của mình.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất