07/10/2012 15:04 GMT+7
(TT&VH) - Trong tiếng Việt có hai từ để chỉ sự vật là Cái và Con. Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Khôi cho rằng, từ Cái và Con để chỉ sự vật có ý nghĩa phân biệt theo hai giống Cái và Đực.
1. Theo ông nói chung động vật được gọi bằng Con, ví dụ con trâu, con gà, con chó, con mèo, con ngựa. Còn phần lớn đồ vật và những vật không thể tự chuyển động được gọi bằng Cái, ví dụ cái nhà, cái bếp, cái xe, cái chổi.
Tuy nhiên có một số thứ là sự vật, đồ vật nhưng hay chuyển động, nên người ta cũng gọi bằng con được, ví dụ con dao, con sông (dòng sông). Giống Đực - Nam giới, đàn ông, hay vận động, đóng vai trò đi lại, hoạt động nhiều hơn, do đó là Con, giống Cái - Nữ giới, đàn bà (theo quan niệm xưa) thường ở nhà, ít đi lại, hoạt động trong phạm vi hẹp, do đó là Cái.
|
2. Trong tiếng Hán, mạo từ chỉ sự vật đồ vật rất nhiều, dường như không theo giống như trên, mà theo chủng loại. Mỗi loại đồ vật, sự vật có từ riêng, ví dụ: nhất chỉ cẩu (một con chó), nhất chích kê (một con gà), nhất trang báo (một tờ báo), nhất bộ xa (một cái xe), nhất điều ngư (một con cá), nhất điều thủy (một dòng nước)…
Việc lắm từ chỉ định như vậy, nên thực ra đi chợ Tầu rất vất vả, nếu muốn nói cho chính xác, tốt nhất nên học từ các bà các cô, chứ không phải từ các giáo sư. Chỉ định từ theo giống Đực - Cái có lẽ là một sản phẩm rất Việt. Mặc dù tiếng Việt không thiếu những từ chỉ riêng cho chủng loại đồ vật, ví dụ như có thể gọi là thanh kiếm, thanh gươm, cây kiếm, cái kiếm cũng được, cũng như gọi là tờ báo, cuốn sách, quyển sách, cái bàn, chiếc bàn, pho tượng, bức tranh, vì sao, ông trăng, mặt trăng, quả núi… Nên hiện tượng Cái và Con chỉ là mang tính phổ biến chứ không quán xuyến được hết thế giới sự vật.
Chữ Điều (Hán Việt), người Trung Quốc đọc là Thẻo, để chỉ những sự vật dài dài thon thon, có tính chuyển động, như con cá, dòng sông nói trên, khi vào tiếng Việt nó được dùng với rất nhiều biến âm. Một người bạn của Nguyễn Trãi có câu thơ ca ngợi ông là: Nhất điều thủy lãnh Tri tam quán / Tứ bích gia bần phú lục kinh (Nhà quan Tri tám quán mà lạnh lẽo như dòng nước/ Bốn vách cảnh nghèo toàn sách vở).
Trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, tôi viết là một "dẻo đê", bạn biên tập đề nghị sửa là "rẻo đê" cho đúng Từ điển ngữ pháp, tôi không đồng ý mà giải thích, đó chính là từ điều trong đê điều, đọc theo tiếng Hà Nội. Từ này trong tiếng Việt rất phức tạp, ví dụ: dãy núi, dải Trường Sơn, dải lụa, doi đất, dẻo đất, rẻo cao, rẻo cây, đê điều…đều là biến âm qua lại giữa Thẻo và Điều, biến âm dẻo để chỉ các chuyển động ngang, biến âm rẻo để chỉ các chuyển động dọc, đi lên. Người Việt có từ Cồn để chỉ doi đất nổi ven sông, biển, tiếng Quảng Nam (Chàm) có từ Cù lao (Cù lao Chàm, Cù lao Ré). Lời ăn tiếng nói là cái gì rất phức tạp, nhất là khi người ta muốn diễn đạt cho chính xác các trạng thái sự vật và tâm lý.
3. Hiện tượng quy sự vật về hai giống Đực - Cái, trở thành lối nói cặp đôi trong ngôn ngữ. Ví dụ: nhà cửa, sông núi, sông ngòi, chim cá, voi ngựa, chó mèo, gà vịt, cờ bạc, quần áo, gường tủ, bàn ghế, bát đũa, trai gái, làng xóm…
Lối nói cặp đôi phát triển lên thành lối nói cặp bốn, ví dụ: trong quan ngoài quách, hàng xóm láng giềng, trâu bò lợn gà, cờ bạc rượu chè… Ở Hà Tây cũ, nhiều làng (miền Bương Cấn), người ta luôn gọi tên người gắn với tên con đầu lòng là trai hay gái, ví dụ anh đĩ Hạnh - anh Hạnh có con gái đầu lòng, chị bòi Ba - chị Ba có con trai đầu lòng. Đĩ và Bòi cũng là từ chỉ bộ phận sinh dục nữ và nam. Một lối nói rất phồn thực.
Bài viết này chỉ là một nhận xét, không có ý định thành ngữ pháp.
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất