15/08/2012 09:51 GMT+7
(TT&VH) - 1. Kể từ 17h ngày 13/8, giá xăng đồng loạt tăng 1.100 đồng mỗi lít. Điệp khúc giá xăng tăng nhiều, giảm ít vốn là chuyện “biết rồi, khổ lắm…”, nói mãi e cũng nhàm. Nhưng đợt tăng giá này và đợt tăng giá gần đây nhất vào ngày 1/8 có một điều khác biệt rõ nhận thấy nhất, đó là việc người ta tái diễn cảnh mua bán thời mậu dịch quốc doanh. Các “thượng đế” chen chúc mua hàng trước sự “ngúng nguẩy” kiêu kì của những “mậu dịch viên” ở các cây xăng.
Vì đâu nên nỗi?
Đến cuối tháng 6 năm 2012, Bộ Tài chính lại phát đi thông báo doanh nghiệp được đăng ký giá bán. Đầu tháng 7 năm 2012, khi các doanh nghiệp đăng ký, Bộ tính toán và quyết định mức giảm giá và thời điểm giảm cụ thể. Tuy nhiên, gần nhất là ngày 20 tháng 7, Bộ lại cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định giá. Khoảng cách giữa hai lần tăng giá tối thiểu 10 ngày và hạn mức điều chỉnh là 7%. Nếu trong 3 ngày Bộ Tài chính không hồi âm bằng văn bản hoặc chấp thuận thì các doanh nghiệp vẫn được chủ động tăng giá.
Xưa nay, chỉ cần có tin đồn giá xăng sẽ tăng là dân tình đã đổ xô đi mua chạy… giá, với tinh thần tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Vì thế, không khó hiểu khi chính khoảng thời gian giữa lúc doanh nghiệp xin tăng cho đến lúc được tăng là lúc cao điểm người dân đổ xô đến các cây xăng.
2. Trong lần tăng giá gần nhất là ngày 1/8 thì chiều tối ngày 31 tháng 7, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối đồng loạt gửi văn bản đăng ký các mức giá mới. Nhưng chính thức, phải đến 14h ngày 1/8, giá xăng được điều chỉnh tăng, sau khi Bộ Tài chính có văn bản cho phép. Như vậy, từ khi có văn bản xin tăng giá, đến khi Bộ Tài chính chấp nhận tăng giá là gần 24 tiếng. Đó là gần 24 tiếng các cây xăng như phát sốt, người mua xăng đông như nêm.
Trước đây, chỉ cần có tin đồn xăng sắp tăng giá, dù không có thông tin văn bản chính thức nào được tuồn ra, người dân đã chen chúc xếp hàng đổ xăng. Nay, doanh nghiệp đã có văn bản xin tăng và gần như người dân đã được mặc định trong nếp nghĩ, doanh nghiệp đã xin là được tăng, vì thế, người ta chen chúc nhau cũng phải. Người đổ đầy bình xe máy, xe hơi, người mang chai, người mang can, cố mua được vài lít trước khi giá tăng.
Còn đợt tăng giá lần này, sự khốn khổ của người dân còn được kéo dài hơn nữa. Đúng hạn tối thiểu 10 ngày 1 lần tăng, chiều ngày 10/8, các doanh nghiệp đã đồng loạt xin tăng. Nhưng ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa vẫn chưa thấy Bộ cho tăng. Sự chờ đợi kéo dài tối đa 3 ngày cơ mà. Nhưng có lẽ các chủ các cây xăng thì kiên định với niềm tin rằng trước sau gì cũng được tăng giá. Vì thế, cảnh bán hàng thời mậu dịch bao cấp lại tái diễn trên cả nước. Người bán thì ỡm ờ, không muốn bán nhiều, thậm chí găm hàng. Người mua thì chen chúc nhau để mua được nhiều nhất có thể. Vì thế mới có cảnh các cây xăng đồng loạt nghỉ bán, nhân viên nghỉ ốm, cây xăng mất điện, hay đồng loạt bảo dưỡng…
Đúng 17h ngày 13/8, hết hạn theo luật trong 3 ngày Bộ Tài chính không hồi âm bằng văn bản thì các doanh nghiệp tự động tăng giá. Cảnh chen lấn mua xăng bỗng nhiên được giải tỏa.
Nhưng nếu tiếp tục điều hành giá bán xăng dầu kiểu này, thì có lẽ người tiêu dùng sẽ còn được tiếp tục sống lại không khí tại các của hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất