07/08/2012 07:18 GMT+7
GS Châu nói như trên với giọng hài hước, nhẹ nhàng, khiến khán giả rộ lên cười, nhưng tôi nghĩ, GS và người bạn Nguyễn Phương Văn - đồng tác giả cuốn Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, không thấy điều đó đáng cười đến thế.
Thực tế, trong buổi trò chuyện, độc giả đã hỏi nhiều câu không liên quan nội dung cuốn sách. Không bất ngờ, GS Ngô Bảo Châu bị “bao vây” bởi những câu hỏi về cách học toán, cách dạy con, cách đọc Ai và Ky… (vì đọc rồi mà chẳng hiểu mấy), rồi làm thế nào để có cuốn cổ tích toán học dễ đọc hơn Ai và Ky… Cái gì họ cũng hỏi, trừ chính nội dung của Ai và Ky… cùng bao nhiêu nhân vật mà hai tác giả say sưa xây dựng và mong độc giả tò mò, đem ra thảo luận với họ. Trong khi đó khá nhiều độc giả đến tọa đàm mới mua sách hoặc “vừa cố đọc hết trên đường đến đây” (trong khi cuốn sách không hợp với kiểu đọc cấp tốc). Việc này không bình thường lắm nhưng từ lâu đã được bình thường hóa.
Hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn
Hai tác giả (Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn) không nói thẳng ra, nhưng trước kiểu quan tâm đó, tôi thấy, họ có vẻ thất vọng.
BTC tọa đàm có thể tự hào với thành công về số lượng: khán giả đến chật kín khán phòng rộng; người ta tranh nhau đặt câu hỏi đến nỗi BTC phải… giấu micro đi. Nhưng xét về độ quan tâm (thực lòng) của người đọc với cuốn sách, thì đó là một… thất bại. Thông điệp các tác giả gửi gắm có vẻ như chưa đến được với nhiều người đọc. Nếu vậy thì đó là nỗi buồn của người viết sách.
Mà thông điệp đó cũng giản đơn, theo lời GS Ngô Bảo Châu: “Cuốn sách này tôi nghĩ độc giả đọc sẽ có đoạn hiểu, đoạn không, nhưng không sao cả. Có những đoạn tôi cố tình viết để gây bất ngờ, khiến người ta không hiểu, và mong rằng chính sự không hiểu đó làm người ta tò mò để quay lại đọc kỹ hơn”.
Còn độc giả thì sao? Rất nhiều người muốn đọc Ai và Ky… để hiểu ngay câu chuyện và các tình tiết (nhiều khi ẩn bên trong là cả một câu chuyện dài và hấp dẫn, chẳng hạn bí ẩn xung quanh nhân vật Elaci). Đáp lại, hai tác giả khẳng định: “Ai và Ky… không phải dạng sách mì ăn liền”.
Không ít người học toán hay dạy con học toán là vì mục tiêu thực dụng (điểm cao, thi đỗ, thành đạt, tiền), tạm bỏ qua tình yêu. Nhưng rõ ràng trước mắt họ là một ví dụ của thành công theo chiều ngược lại: GS Ngô Bảo Châu - yêu toán, học toán, làm toán rồi mới đến tiền, và được trọng vọng. Thêm một ví dụ nữa, Oprah Winfrey, bà hoàng truyền thông của Mỹ, một trong những nguyên tắc thành công của Oprah là: “Hãy làm công việc bạn yêu, sau đó tiền sẽ đến. Tôi thành công vì tôi không đặt thành công làm mục tiêu. Quá trình cố gắng mới là mục tiêu của tôi”.
Kể cả khi hâm mộ một nhà toán học, phần đông chúng ta cũng chạy theo hào quang của cái huy chương Fields hơn là thực sự hiểu biết những đóng góp của GS Châu. Có vẻ như một số người ào ào mua sách Ai và Ky… đã in đến lần thứ 5, bán được mười mấy nghìn bản) vì cái danh đó là nhiều.
Tôi trích dẫn phát ngôn to tát của nhà thơ Nobel Joseph Brodsky: “Tội ác lớn nhất đối với sách là không đọc chúng”…
Mi Ly
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất