Nỗi oan của nền y tế công lập

18/07/2012 09:33 GMT+7

(TT&VH) - 1. Trước khi xảy ra vụ bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong bị chết tại phòng khám đa khoa Maria dưới tay các "bác sĩ Trung Quốc", tình cờ tôi nghe chị dâu tôi, là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội kể rằng, bấy lâu nay chị toàn đi khám ở... phòng y tế của trường. Một điều mà trước đó chị chưa bao giờ nghĩ đến.

Số là, một lần ngồi ở văn phòng khoa, thấy đau đầu chóng mặt, mà cổng trường thì khóa, ngại chạy ra hiệu thuốc ngoài đường, chị thất thểu đi vào phòng y tế. Và rồi chị rất bất ngờ khi phòng y tế của trường có đầy đủ các trang thiết bị và các loại thuốc cần thiết để khám chữa bệnh cho mọi người. Nhiều loại thuốc còn được cấp phát miễn phí cho CBNV, sinh viên của trường.

Ngồi tâm sự một lát với chị Trạm trưởng, chị mới sửng sốt nhận ra chị Trạm trưởng là bác sĩ chuyên khoa bậc II. Vị bác sĩ này vốn làm ở bệnh viện lớn trong miền Trung, theo chồng là giảng viên, ra Hà Nội nên mới "cắm chốt" tại trường.

Từ đó, lần nào lên lớp, chị cũng kể lại câu chuyện đó và khuyên các sinh viên nên tích cực "khai thác" Phòng y tế của trường. Chẳng biết có phải do chị hô hào hay không, nhưng từ đó Phòng y tế của trường lúc nào cũng nườm nượp.

Câu chuyện của chị khiến tôi suy nghĩ, bởi trong số các bạn đọc bài viết này, hẳn cũng có nhiều người làm ở các cơ quan Nhà nước có Phòng Y tế cơ quan. Nhưng thử hỏi có mấy khi bạn xuống đó để được hưởng quyền khám chữa bệnh của mình? Hay chúng ta cứ mặc định là hễ ốm đau, nhẹ thì ra hiệu thuốc, nặng thì vào các phòng khám tư? Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta trả càng nhiều tiền thì bệnh của chúng ta càng chóng khỏi?

2. Không phải bây giờ phòng khám Maria mới lộ nguyên hình là cỗ máy chặt chém bệnh nhân, với những người Trung Quốc mang danh bác sĩ, nhưng thực chất là chỉ được cấp phép làm người giúp việc, chịu trách nhiệm thay rửa vết thương, đưa dụng cụ... Đây cũng không phải lần đầu phòng khám này bị tố và bị xử phạt vì vi phạm chuyên môn trong quá trình hành nghề.

Nhưng tại sao người ta vẫn sùng bái những phòng khám như thế này? Không chỉ đơn thuần là có danh bác sĩ ngoại, mà vì từ khi xóa bao cấp, người ta cứ nghĩ cứ có tiền là bệnh nhanh khỏi. Cứ vào nơi đắt đỏ là có dịch vụ tốt nhất. Vô hình trung, một bộ phận người bệnh đã quay lưng lại với nền y tế công lập. Với không ít người vào bệnh viện công có nghĩa là "con nhà nghèo". Đó thực sự là nỗi đau và nỗi oan của nền y tế công lập.

Công bằng mà nói, nền y tế công lập cũng có rất nhiều khiếm khuyết: Đông đúc, chật chội, quá tải, một số nhân viên y tế thiếu y đức... Nhưng cũng cần phải hiểu, như một nhà đông con, bệnh viện công không thể nào lo cho mọi đứa đều tốt. Khoa chỉ có 15 chiếc giường, nhưng phục vụ 400 bệnh nhân, thì đương nhiên hầu hết đều phải vạ vật ngoài hành lang. Vì thế đòi hỏi phong cách "phục vụ" bệnh viện công phải như bệnh viện tư hay bệnh viện bên Tây là điều phi thực tế.

Sau mấy tháng phẫu thuật rồi điều trị thuốc, khi nhìn số tiền viện phí phải trả, tổng cộng chưa tới 30 triệu đồng (vì có BHYT), tôi sửng sốt nhớ lại con số tôi từng nhẩm tính khi định đưa người nhà sang chữa ở Singapore. Chi phí bên ấy khoảng 4 tỷ đồng!

30 triệu so với 4 tỷ. Tôi thấy cay sống mũi. Tôi hiểu rằng trong mấy tháng chữa trị vừa qua, người nhà tôi đã phải chờ đợi, phải chen chúc khổ sở, phải vạ vật ngoài các hành lang bệnh viện, và chính bản thân tôi cũng từng ca thán, oán trách cái bệnh viện này. Nhưng giờ đây tôi mới hiểu được giá trị của nền y tế công lập. Vì nó mà người nhà tôi được chữa trị bởi những bác sĩ tốt bậc nhất khu vực, với những loại thuốc hiện đại không kém gì ở Singapore, nhưng tôi chỉ phải trả một khoản chi phí quá rẻ, và hoàn toàn không lâm vào cảnh khánh kiệt, tiền mất tật mang như khi chữa bệnh ở nước ngoài hay tư nhân...

3. Lời khuyên của tôi sau vụ phòng khám Maria, là: Hỡi những người có tiền và muốn được chữa trị tốt nhất, các bạn đừng nên tin vào những lời quảng cáo.

Để chữa được bệnh, các bạn phải chịu khó đi tìm thầy tốt (không tìm trong các lời rao quảng cáo mà hãy nhìn vào thành tích y học của họ), và bạn phải biết nhẫn nại nữa. Hãy vui vẻ xếp hàng, dù có lâu, nhưng người xếp hàng cạnh bạn cũng là những người bệnh đang sốt ruột như bạn. Cứ kiên nhẫn rồi bạn cũng sẽ đến lượt mình. Và hãy biết cảm ơn các bác sĩ công lập, bởi họ bắt bạn phải chờ hơi lâu, nhưng không bao giờ từ chối bạn. Nếu bạn mệt mỏi vì sự chen chúc, chờ đợi, thì hãy nhớ rằng, họ - các y bác sĩ công lập -  còn mệt mỏi gấp trăm, gấp nghìn lần bạn vì họ đâu chỉ chữa cho mình bạn thôi. Họ phải chữa cho hàng trăm, hàng nghìn người xếp hàng trước bạn, sau bạn.

                        Sỹ Ẩn



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm