Diệt sâu bọ

29/06/2012 06:15 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Tết Đoan ngọ năm nay đúng vào thứ Bảy, ngày nghỉ của cán bộ công nhân viên. Vợ N.,  rảnh rỗi hơn mọi năm, hào hứng làm bún vịt xáo măng. Thắp hương trên bàn thờ gia tiên có rượu nếp, bánh tro, vải thiều… Thế cũng được gọi là tươm tất, cô ấy bảo. Năm  nay chợ vắng hơn năm ngoái, mà hàng hóa cho ngày 5/5 thì lại ê hề. Nhìn chung, giá  rẻ, đời sống đi lên… Mừng!


Đúng là đàn bà. Thấy mua được rẻ là mừng. N. nghĩ,  rẻ, thì là do CPI giảm. Đọc báo thấy chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) cả nước giảm 0,26% trong tháng 6. Đây là lần đầu  tiên kể từ tháng 3/2009, CPI có mức âm. Con số này vừa  được Tổng cục Thống kê công bố. Sức mua đang giảm,  hàng hóa tăng giá làm sao được. Như thế này là giảm  phát, giảm phát có khi còn đáng sợ hơn lạm phát. Nhưng  nói với vợ cũng bằng thừa, cô ấy hoàn toàn không hiểu.  Ngay cả ngày Tết Đoan ngọ, cô ấy cũng chăm chăm mua  bán thắp hương chứ chẳng cần tìm hiểu xem ý nghĩa ngày  ấy là gì.  


Ngồi vỉa hè sáng thứ Bảy, N. nghe dân tình tranh cãi  nhau, ngày Đoan ngọ 5/5 âm lịch là Tết Tàu hay Tết ta,  hay Tết Hàn. Ngày ông Khuất Nguyên gieo mình xuống  sông Mịch La 5/5, dân nhớ người trung nghĩa thì thắp  hương ngày ấy. Nhưng lại có lần nghe nói Hàn Quốc đề  nghị Liên Hiệp Quốc công nhận Tết Đoan ngọ vào ngày  5/5 là “di sản văn hóa phi vật thể” của Hàn Quốc. Việt  Nam thì chưa đòi công nhận di sản ngày này, nên cho  đến giờ, N. thấy ngày 5/5 đơn giản là ngày giết sâu bọ. Vả  lại, xem xét nguồn gốc lễ này hội kia là việc của các nhà  nghiên cứu.  


Các nhà nghiên cứu thỉnh thoảng đưa ra những giả  thiết cực kỳ hay, về người Việt, chữ Việt… Nghe không  biết thực hư thế nào, nhưng thấy tự hào. Chẳng hạn gần  đây, N. mới thấy vỉa hè bảo đã có tài liệu cho rằng nàng  Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử  Trung Hoa, hóa ra cùng quê với chị Hai Năm Tấn. Tác giả  bài báo đưa ra câu chuyên này kể rằng tình cờ có mặt  trong ngày hội làng Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái  Thụy, tỉnh Thái Bình, 13 tháng 3 Âm lịch và rất bất ngờ  khi được mời đến dự hội với lời giới thiệu: “Hôm nay là  ngày sinh của Bà Chúa Vương Chiêu Quân người làng này.  Vì vậy, ban tế toàn là nữ và sẽ có màn tế Nữ Quan”. Có  thần tích, có sắc phong và dân làng khẳng định: “Đúng là  Chiêu Quân cống Hồ đấy, nhưng là người làng này”. 


Có nhiều điều bất ngờ trên đời như vậy, cũng chẳng  nên nhọc công tranh luận xem nguồn gốc ngày Tết Đoan  ngọ là ở xứ nào. 

N., thì thích cái tên Ngày diệt trừ sâu bọ ở nước mình.  Có lẽ còn chút máu nông dân chảy trong huyết quản,  nhưng ý tưởng có một ngày toàn dân làm sạch ruộng  đồng và bản thân từ bên trong, một ngày cho sự thanh  tẩy bệnh tật một cách dân dã với cây lá ruộng vườn,  ngẫm thấy thật hay. Đã thế, bạn trà lá vỉa hè lại còn rủ rỉ  thêm là giá có một ngày 5/5 nào đấy được Nhà nước quy  định là ngày diệt trừ sâu bọ trong xã hội thì tốt quá. Lâu  nay người ta ít dùng cái câu “Con sâu bỏ rầu nồi canh”,  là vì sâu trong canh quá nhiều. Cứ nghĩ như ở một xã nào  đó trong tỉnh Thanh, dân đang phải ngày đêm góp thóc,  5 tạ thóc mất 1 tạ “phí” để nuôi cán bộ ăn không ngồi  rồi, thì thấy đúng là rùng mình. Xã có 15 thôn, 2.000 hộ,  9.500 dân, nhưng cán bộ xã thì có tới 500 người. Mà riêng  gì xã này đâu, tương tự, theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh  Nghệ An, đội ngũ cán bộ công chức cấp phường xã của  tỉnh hiện có trên 10.000 người. “Cán bộ phường… đông  như quân Nguyên”, bài báo viết như vậy. Đông quá, người  tốt tất nhiên có, nhưng lượng người không tốt, bám vào  chính sách ăn theo, làm hại dân chắc cũng phải vô số. Ước một ngày diệt trừ sâu bọ theo nghĩa bóng, cũng  phải thôi! 

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm