Chỉ tình yêu thì không bao giờ là đủ

12/04/2012 10:54 GMT+7


(TT&VH) - Từ một sự kiện tưởng như mang mục đích tích cực, màn đồng ca 3.000 người tại Hội Lim vừa qua bỗng trở thành lý do dẫn tới những căng thẳng không đáng có. Cụ thể, ngày 8/4/2012, Chủ tịch Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh đã có đơn kiến nghị đòi PGS Nguyễn Văn Huy phải chính thức xin lỗi về một số phát ngôn quanh sự kiện này.

Trước đó, ông Huy đã gọi việc huy động hơn 3.000 liền anh, liền chị đất Kinh Bắc tham gia hát đồng ca để lập kỷ lục Guinness Việt Nam là “chuyện khôi hài”. Và không riêng gì vị PGS đang là thành viên của Hội đồng di sản quốc gia này, nhiều nhà nghiên cứu cũng phát ngôn khá gay gắt về độ “vênh” giữa sự kiện trên với những gì thuộc về vẻ đẹp và lề luật biểu diễn của quan họ.

Câu hỏi ở đây là: Có cần thiết phải nghiêm khắc và... nặng lời đến thế? - nếu coi màn “đồng ca” trên đơn thuần chỉ là cách tổ chức sự kiện để quảng bá cho loại hình di sản vừa được UNESCO công nhận (chứ không phải là “vẽ” ra một kiểu biểu diễn quan họ mới trong tương lai). Và câu trả lời từ giới nghiên cứu đều giống nhau: “Cần! Vì đã là di sản của UNESCO thì không... đùa được”.

Cũng từ chuyện quảng bá, nhiều nhà nghiên cứu đã sẵn sàng đưa ra cả chục phương án khác nhau để tôn vinh quan họ (mà vẫn tuyệt đối tuân theo truyền thống và lề luật của di sản văn hóa này). Đơn cử, tại Hội Lim vài năm qua, những canh hát quan họ “mộc” (không dùng micro và amplie) suốt đêm với đầy đủ trình thức cổ đã bắt đầu xuất hiện tại một số gia đình nghệ nhân. Vậy, tại sao không nhân rộng và tổ chức thật nhiều canh quan họ ấy, thay vì chọn cách gây phản ứng là... tổ chức đồng ca?   

“Quảng bá di sản, xét cho cùng cũng là mục đích bảo tồn. Để người xem hiểu được sự cần thiết phải tuân thủ và giữ gìn nét đẹp của quan họ mới là điều khó. Ngược lại, việc chạy theo tôn vinh di sản một cách thật quy mô hoành tráng thì rất dễ, và cũng để lại hậu quả... nguy hiểm vô cùng”- một nhà nghiên cứu cho biết- “Chưa kể tới những di sản đã được công nhận và phải tuân thủ các cam kết với UNESCO, nhiều di sản bình thường cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và méo mó vì tâm lý thích tổ chức hoành tráng và chạy theo thành tích”.

Để đơn giản mọi chuyện, hãy cứ nghĩ rằng việc tổ chức “đồng ca” tại Bắc Ninh cũng là vì tình yêu của người quan họ. Nhưng, những ý kiến gay gắt và thẳng thắn của giới khoa học cũng đến từ một thực tế đáng buồn: chỉ tình yêu thì không bao giờ là đủ. Thực tế, không có màn “đồng ca” lập kỷ lục Guinness đi nữa, những lộn xộn tại  Hội Lim mấy năm qua cũng đã được nhắc tới nhiều rồi.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm