22/03/2012 09:29 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - Nữ ký giả người Đức ấy đã ngạc nhiên đến bàng hoàng sửng sốt khi chứng kiến tài lái xe máy của người Việt. Bà không thể tưởng tượng được rằng, trên một chiếc xe máy bé nhỏ giữa đường phố đông đúc, mà người đàn ông ấy lại có thể đèo được cả vợ và hai đứa con (đứa lớn anh ta quàng tay giữ đằng trước, đứa bé vợ anh ta bế ở sau lưng). Bằng một tay, anh ta lái xe máy phóng như điên, vì tay kia còn phải tranh thủ nghe điện thoại, mà mồm thì vẫn phì phèo điếu thuốc.
1. Nói chung, dân ở những xứ sở 4 bánh không hiểu được sự tiện lợi của chiếc xe máy 2 bánh. Cảnh một đại gia đình vi vu trên xe máy hoàn toàn không phải là một tiết mục xiếc thăng bằng, mà là một biểu tượng của sự yên ấm, đề huề, phồn thịnh. Nếu không tin, vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật cứ lượn xe vài vòng ở Bờ Hồ hay đường Thanh Niên, bạn sẽ gặp những gia đình viên mãn như thế chạy xe tà tà đi ngắm cảnh, hóng mát, ăn bánh tôm Hồ Tây. Mà đây còn là một biểu tượng về gia đình hạnh phúc có tính truyền thống ở Hà Nội. Chứng cứ là hai ba mươi năm trước, vào thời bao cấp thanh bình, chính những ông bố bà mẹ trẻ hôm nay cũng đã được bố mẹ mình chở trên những chiếc xe đạp Thống Nhất theo cách như thế để dạo chơi Bờ Hồ.
Đến đời mình, nề nếp “một vợ hai con” ấy vẫn còn giữ, nhưng xe thì nâng đời liên tục. Một thuở chiếc xe Cup 81, 82 nào cũng phải có một chiếc ghế trẻ con ở phía trước. Bây giờ xe tay ga thuận lợi hơn nhiều. Yên liền và dốc nên vợ và con bé có thể ngồi sát phía sau, cảm nhận được cả hơi ấm của vợ và bàn tay tinh nghịch con cọ cựa sau lưng mình. Còn chỗ để chân của xe ga là một chỗ đứng tuyệt vời cho thằng cu nhớn. Nó có thể nhìn về phía trước để bi bô chỉ trỏ hoặc có thể úp mặt vào lòng bố để tránh gió lạnh hoặc để... ngáy khò khò. Hai chân hai tay bố khuỳnh ra tạo thành một thành lũy vững chắc để bảo vệ nó.
Cấu trúc của gia đình Việt Nam trên chiếc xe máy là như thế. Với chiếc xe máy, một người đàn ông, trong vòng 5 phút, có thể chất cả gia đình mình lên (cùng với rất nhiều món đồ đạc khác) để “di tản” đến bất cứ phương trời nào, và thích ứng với hầu hết các loại địa hình. Đó là sự cơ động có thể sánh với dân du mục trên mình ngựa.
2. Cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra như thế. Cho đến khi, tôi nhớ không nhầm thì là vào tháng 8 năm ngoái, em bé 2 tuổi ngồi trước xe máy của mẹ bị văng xuống đường và bị chiếc xe bồn chẹt chết. Nguyên nhân được cho là chiếc xe bồn còi quá to, khiến em bé giật mình, nhào ra phía trước. Người mẹ phanh gấp làm xe bị đổ. Cảm giác của tôi là bàng hoàng. Cái quang cảnh yên bình, đề huề, phồn thịnh trên chiếc xe máy nói trên chỉ là một lát cắt nhỏ có phần giả tạo trong muôn vàn những pha “đứng tim” trên đường phố.
Không biết bao nhiều lần tôi lặng lẽ bám theo những chiếc xe máy vừa phóng vèo qua trước mũi xe mình. Ông bố hớt hải chở con đến lớp. Với cái điệu bộ tả tơi cả bố lẫn con ấy tôi dám chắc là cả hai đều ngủ dậy muộn. Phàm trẻ đã dậy muộn thì trên đường nó còn ngủ nướng. Đứa trẻ áp vào lưng bố và cứ thế ngủ vùi. Ông bố rõ ràng là rất có kinh nghiệm trong chuyện này, nên một tay ông lái xe, còn tay kia thì quàng ra phía sau để giữ chặt tay nó. Nhưng vì không có mắt ở đằng sau nên ông không biết rằng đứa trẻ cứ bị vẹo dần sang một bên. Một bên chân nó thõng hẳn xuống phía bánh xe, còn chân kia thì huơ huơ ra giữa đường.
Tôi lặng lẽ giữ khoảng cách phía sau. Tôi không dám đi gần sợ đứa trẻ tuột ra đường vướng vào xe mình thì mình mang tội. Tôi cũng dám còi sợ ông giật mình, cũng không dám vượt lên để nhắc kiểu như nhắc người quên gạt chân chống, sợ ông mất tập trung, phanh gấp hoặc buông tay giữ con ra thì khốn. Trong khi đó cái chân thõng xuống của thằng bé cứ thấp dần, thấp dần.
Nhìn cái chân của nó, chẳng hiểu sao bàn chân tôi cứ tê điếng. Trong ký ức của tôi, kinh hoàng nhất là những lần ngồi cho chân vào nan hoa. Trẻ con vốn hiếu động, chân cẳng luôn có nhu cầu ngọ nguậy, chứ không chịu để yên một chỗ, mặc dù trước khi lên xe, bố đã dặn kỹ là phải dang hai chân ra, nhưng ngồi một lúc tự nhiên thấy gót chân ngứa ngứa, mà lại không dám co chân lên để gãi. Thế là nảy ra ý nghĩ cho chân sát gần vào nan hoa để bánh xe “gãi hộ”. Nhoằng một cái, cảm tưởng như bàn chân mình bị con cá sấu đớp lấy, kéo mình ngã lăn xuống đường. Bàn chân tôi lần đó bị cuốn vào nan hoa, phải gọi bác thợ sửa xe đến vặn ốc tháo bánh xe rồi mới rút chân ra được. Mu bàn chân giờ vẫn còn sẹo.
3. Hình như các nhà thiết kế không tính toán đến việc phải chở trẻ con trên xe máy, cho nên tôi chưa thấy loại xe nào có sẵn ghế ngồi cho trẻ cả. Mỗi gia đình tự biên tự diễn một kiểu, mà phần lớn là chẳng gá lắp thêm làm gì cho vướng víu (nhất là xe của cánh đàn ông). Chỗ ngồi của trẻ con trên xe máy được coi là một nửa chỗ ngồi của người lớn, tính theo kích cỡ mông, thậm chí còn được coi như chỉ là ngồi ké. Tốc độ đi lại trong đô thị, nhìn chung là chậm. Xe máy hay xảy ra va quệt, nhưng trừ va quệt với ô tô, còn lại đa số không gây tai nạn chết người, mà thường chỉ sứt sát tay chân, đâm nhau xong lại lồm cồm bò dậy chửi nhau hoặc choảng nhau. Nhưng đó là người lớn. Còn với những đứa trẻ, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.
Quan sát trên đường phố, tôi nhận thấy đa số những người đi đường đều có ý nhường nhịn những chiếc xe máy chở trẻ con, nhưng chính những ông bố bà mẹ chở chúng lại bàng quan, liều lĩnh. Rất thường xuyên tôi thấy những bà mẹ ẵm ngửa con ngồi sau xe máy trong khi ông chồng phóng như điên, vượt hết xe này đến xe khác. Chỉ sơ ý thôi khi luồn lách lỡ quệt vào xe bên cạnh thì không biết sự thể sẽ như thế nào?
Vào mùa rét, các ông bố bà mẹ chở con đi xe máy thường trùm lên đầu con một chiếc khoăn voan để tránh gió. Nhưng người ta cảnh báo rằng chiếc khăn trùm này có thể khiến các bé bị ngạt. Thực ra tôi chưa nghe thấy có trường hợp nào chết ngạt như thế, nhưng chết ngạt vì quấn chăn thì có. Bố và bà nội ra viện đón em bé mới sinh về nhà bằng xe máy. Trời rét, bà nội bọc cháu trong tã lót chưa đủ, lại quấn thêm một chiếc chăn đơn, và phủ lên mặt cháu một chiếc khăn mùi soa cho đỡ lạnh. Hơn hai chục cây số về đến nhà, giở ra, thì cháu đã chết cứng từ bao giờ.
4. Hitler là tên trùm phát xít tàn ác, nhưng tương truyền là cũng có một ước muốn mà theo tôi là khá nhân văn, ấy là lập ra hãng xe Volkswagen để cho mỗi người dân Đức đều có được một phương tiện an toàn để đi lại. Hãng Tata ở Ấn Độ cũng có một ước muốn gần giống như thế, khi chế ra loại ô tô Tata siêu rẻ (2.000USD) để người dân có thể sử dụng thay thế cho những phương tiện kém an toàn hơn.
Nói như vậy không phải là sùng bái chiếc ô tô, bởi đa số những người đi ô tô ở Việt Nam đều chưa tính đến sự an toàn cho những đứa trẻ đứng ngồi lóc nhóc trong xe. Chứng cớ là hầu như họ không lắp các ghế treo cho các em bé. Và người ta tính toán rằng với tốc độ của chiếc ô tô, thì khi có va chạm xảy ra, nếu không có ghế treo, thì các em bé sẽ bị va đập vào thành xe, thành ghế với lực văng bằng trọng lực của một người 60kg. Trẻ em vẫn bị coi là một nửa của người lớn trên ghế ô tô, căn cứ trên kích cỡ vòng mông, hay nói đúng hơn các em vẫn ngồi ké, y như trên chiếc xe máy vậy.
Hành trình của những gia đình tiêu chuẩn “một vợ hai con” của chúng ta, từ chiếc xe đạp Thống Nhất lãng mạn thuở nào, đến những chiếc xe máy cơ động, rồi đến những chiếc xe ô tô thôi... là một hành trình dài, phải để những đứa trẻ được an toàn và lớn lên.
Nguyễn Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất