Cái dở của không chuyên

11/03/2012 15:56 GMT+7



(TT&VH) - 1. Điều gì làm cho cuộc sống ở Hà Nội đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn, ngoài chuyện thời tiết giai đoạn này cứ ba ngày hửng nắng lại bốn ngày gió mùa Đông Bắc mưa dầm dề, ngoài chuyện xăng đột ngột tăng giá và nhiều tuyến phố trong trung tâm không thể đỗ xe được nữa...

Đó chính là chuyện không chuyên.

Người Hà Nội quen buôn bán lâu năm, khéo léo và tinh tế, nhiều bà chủ bán hàng để ý quản nhân viên tới mức chỉ cần nhân viên đưa đồ cho khách bằng một tay hay lỡ miệng nói câu nào không đủ kính ngữ là chấn chỉnh ngay, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.

Khu vực phố cổ vẫn còn rất nhiều quán ăn nhỏ bé gọn gàng, thậm chí chỉ một bàn xếp trên vỉa hè mà ngăn nắp sạch sẽ tuyệt đối, vợ làm đồ ăn chồng bưng bê phục vụ, thân tình mà không suồng sã, kín đáo mà không xa cách.

Đó là cả một nghệ thuật, một sự chuyên nghiệp được rèn luyện qua nhiều đời. Sự chuyên nghiệp trong phục vụ người khác.

2. Nhưng chuyển sang hình thức kinh doanh lớn thì người Hà Nội chưa quen, những ưu điểm lâu đời bỗng biến đi đâu hết cả, gây ra sự bực bội kinh khủng cho người nơi khác đến, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, vốn dĩ chưa thể tìm ngay đến được những quán xá nền nếp, chỉn chu nhưng thường ngõ ngách chật chội, tồn tại từ bao đời nay.

Sau một quãng thời gian phát triển như thế nào đó, dường như người Hà Nội làm việc trong các ngành phục vụ và dịch vụ bỗng quên biến mất rằng mình làm công việc phục vụ. Ý thức phục vụ người khác bỗng như tiêu biến theo đà mở rộng diện tích cửa hàng, quán xá và đà sang trọng hóa của các hình thức dịch vụ.

Bạn vào cửa hàng mua đồ, bạn vào quán ăn bên ngoài nhìn rất lịch sự, bạn đi rửa ảnh, bạn uống cà phê ở các chuỗi quán tên tuổi (mới) nổi như cồn, bạn vào siêu thị, hoặc bạn chỉ đơn giản là lịch sự hỏi chút thông tin ở một quầy nào đó của sân bay. Rất thường xuyên, bạn giật mình hoảng sợ vì hình như có cố lịch sự, mềm mỏng đến thế nào, người ta vẫn cứ có thể nhìn bạn bằng một con mắt rất khó tả.

Mình là người trả tiền, thế mà cứ có cảm giác đang đi cầu cạnh điều gì đó, mình rất thân thiện, thế mà cứ như thể người phục vụ quán cà phê có gì đó rất thù địch với mình.

Nghề phục vụ ở quán cà phê (kiểu chuỗi quán) và nghề gác cửa các tòa nhà lớn, hẳn vì còn mới quá, thành thử những người được thuê làm còn chưa hiểu lắm thực sự công việc của mình là gì.

3. Hai chị bạn của tôi, xinh đẹp và đầy học vấn, thu nhập cao nhưng rất thân thiện, thậm chí thân thiện với cả môi trường, thường thích lấy xe đạp chở nhau đi dạo phố. Đến một quán cà phê thời thượng, họ bị nhân viên không cho vào (theo một cách thức không mấy lịch sự).

Một anh bạn khác rất ấm ức vì anh ăn mặc rõ đẹp, đeo hẳn cà vạt, cầm túi xách thuộc loại “oai” nhất trong bộ sưu tập của mình, thế mà vừa bước chân vào sảnh một khách sạn năm sao thì bị nhân viên gác cửa chặn lại hất hàm hỏi: “Anh dẫn khách đoàn nào đấy?”.

Nhân viên quán ăn và quán cà phê, do đặc thù công việc là mang đồ cho người khác ăn uống, hình như nghĩ họ “cho” người khác ăn uống, nên rất hay khinh khỉnh, có lúc còn gắt lên. Mà nghĩ cho kỹ như thế có khi lại tốt, sợ nhất là có những nhân viên phục vụ thích gần gũi với khách, đến mức vỗ vai cười hớn hở khuyên nhủ ăn món này món kia, “thế mới ngon”.

Quán cà phê thường xuyên chịu cảnh nhân viên tự cắm nhạc của mình vào hệ thống loa để nghe cho đã loại nhạc mà mình thích, thường là nhạc rất phổ biến ở các tổng đài chuyên dịch vụ tặng bài hát cho nhau giữa các bạn trẻ.

4. Cái hay của sự không chuyên ấy là đi ăn quán ta bỗng có cảm giác đến nhà họ hàng dùng bữa. Nhưng sự không chuyên cũng thật dở, nó làm người Hà Nội thấy cuộc đời mình có thật ít lựa chọn, mà thời tiết thì đã khốn khổ đến thế kia rồi.

Con Sâu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm