Người lương thiện thì không sợ… cảnh sát

10/03/2012 06:55 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Khi viên cảnh sát Giave hỏi Mariuyt rằng có sợ nhóm người bí ẩn đó không? Mariuyt nói rằng, anh không sợ bọn họ, cũng hệt như không sợ cảnh sát Giave vậy. Giave khâm phục, nhận xét Mariuyt là người dũng cảm và lương thiện vì một người lương thiện thì không sợ cảnh sát.

>> Theo dõi tất cả các bài viết trong chuyên đề: Lối sống đô thị

Đó là câu chuyện trong tiểu thuyết nổi tiếng Những người khốn khổ của nhà văn Victor Hugo ở tận bên Pháp vào thời kỳ thắng thế của chủ nghĩa nhân đạo lãng mạn. Chúng ta, những người tham gia giao thông trên đường hẳn không phải tất cả đều chính trực, can trường như chàng Mariuyt, nhưng đa số đều lương thiện cả. Còn các đồng chí cảnh sát giao thông (CSGT) của chúng ta, đang phải rất vất vả để điều khiển giao thông, phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng, cũng hoàn toàn khác so với viên thanh tra cảnh sát Giave chuyên theo dõi người lương thiện trong Những người khốn khổ. Nhưng chả hiểu sao khi bị CSGT tuýt còi thì cách cư xử của những người lương thiện tham gia giao thông lại có rất nhiều điều đáng bàn.

Chả biết từ bao giờ trong chúng ta hình thành phản xạ sợ hãi. Thoáng thấy bóng các đồng chí CSGT áo vàng phía trước là lập tức tất cả các loại xe đều giảm tốc độ đến mức như là chậm dần đều để thăm dò. Nếu là người đi xe máy thì đều thẳng lưng lên một chút, mắt nhìn thẳng trang nghiêm, còn một tay thì kín đáo sờ lên quai mũ bảo hiểm để biết chắc rằng nó không bị tuột. Còn bốn bánh của dân xế hộp thì hình như cũng chụm lại, không còn khuỳnh khoàng lấn lướt ra đường nữa, tự dưng xe nọ nối xe kia thẳng hàng một cách rất trật tự… Lần nào đi đến đoạn đầu đường 5 hay đoạn gần trạm thu phí Phù Đổng trên QL1A đi Lạng Sơn, tôi cũng thoáng thót tim khi thấy những bóng áo vàng lấp loáng ven đường trong mưa lất phất. Và lần nào tôi cũng bật cười vì mình thần hồn nát thần tính. Hóa ra là mấy bà mấy cô bán bánh mì rong. Các bà, các cô xếp bánh mì trong thúng thành từng chồng cao ngất, vàng ươm, lại đậy tấm ni-lông mỏng lên cho khỏi ướt, khỏi bụi, trông xa loáng thoáng, thật chẳng khác gì một đội CSGT mặc áo mưa mỏng đứng gác. Hú hồn.

Cảnh sát giao thông cũng phải sợ cảnh này?

Đang dừng lại đèn đỏ bỗng thấy phía trước có một đồng chí CSGT từ bên lề đường thong thả bước ra, tay ve vẩy một cây gậy sơn trắng, thế là lập tức muôn người trên xe như một, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực... Ối cha mẹ ơi, cái gậy ve vẩy kia đang nhằm vào ai? Đèn xanh bật rồi, cả dòng xe đi từ tốn khó tả, chiếc nọ núp vào đuôi chiếc kia, càng tránh xa phía cây gậy ve vẩy càng tốt. Và đồng chí CGST tiến ra giữa đường, không biết đồng chí chọn “con cừu” nào trong cả đàn cừu đang giả vờ ngoan ngoãn rúc đầu vào đuôi nhau. Toét, cây gậy chỉ thẳng về phía mình. Tay mình như nẩy lên trên vô-lăng. Thôi chết rồi. Trong thoáng chốc bao nhiêu tội hình dung hết ra: Đi sai làn ư? Quá tốc độ ư? Rẽ đường cấm ư? Vượt phải ư? Rẽ không xi-nhan ư? Phạm lỗi đoạn này hay ở đoạn trước? Tai mình như không còn nghe thấy tiếng phố xá ồn ào nữa. Chiếc xe của mình như một con cá trôi chầm chậm về… rọ. Nhưng không, không phải, đồng chí chỉ gậy về phía mình, nhưng là chỉ vào chiếc xe đi sau mình. Hú hồn. Tim bắt đầu đập rộn rịp trở lại. Hàng cây số sau vẫn không hết bàng hoàng cứ như thể mình vừa được tha bổng ở tòa.

Và lần nào trải qua cảm giác thót tim như thế, tôi cũng băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại sợ nhỉ? Chẳng nhẽ mình không phải là người lương thiện hay sao? Xe và người đầy đủ giấy tờ. Đi đứng thì luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Vậy thì sợ cái gì? Chịu. Có lẽ đó là nỗi sợ của người ở trong ma trận giao thông ngày nay, mà dù cẩn thận đến đâu cũng không dám chắc là mình không phạm lỗi, nhất là những cái lỗi do bị bẫy.

Tôi đã thử trắc nghiệm rất nhiều lần, một tình huống như sau: Khi bị CSGT tuýt còi, gọi xuống thì lái xe thường làm gì?

Hầu hết các trường hợp đều rút điện thoại ra gọi. Gọi liên tục, mải miết.

Sợ CSGT có lẽ là nỗi sợ của người ở trong ma trận giao thông ngày nay, mà dù cẩn thận đến đâu cũng không dám chắc là mình không phạm lỗi, nhất là những cái lỗi do bị bẫy.

Điều đó làm tôi nhớ đến tình huống sụp đổ tòa tháp đôi WTC ngày 11/9. Tất cả những người chứng kiến cảnh kinh hoàng đó, sau khi giơ tay lên cầu Chúa, đều hối hả gọi điện thoại. Có thể họ gọi cho thân nhân, hay bạn bè để chia sẻ về điều kinh hoàng đang diễn ra trước mắt. Có lẽ những người bị bắt xe cũng rơi vào tình trạng kinh hoàng tương tự, và những cuộc điện thoại ấy ngoài ý nghĩa chia sẻ, còn để cầu cứu.

Hầu hết những người dân thường lương thiện bị bắt xe đều không chối tội, đòi bằng chứng, thậm chí họ hoàn toàn không quan tâm đến việc bị bắt vì lỗi gì. Nói chung cứ bị tuýt còi là có lỗi, không lỗi nọ thì lỗi kia. Và cách giải quyết đầu tiên bao giờ cũng là nài nỉ, xin xỏ. Tôi thực sự thông cảm cho các đồng chí CSGT khi hàng ngày họ phải nghe những những lời cầu xin và thú lỗi, kèm theo nước mắt nhiều hơn bất cứ vị linh mục nào trên Trái đất. Tôi chưa từng thấy ai, sau khi bị tuýt còi, vui vẻ ký ngay vào biên bản cả. Bản thân tôi cũng vậy, chỉ duy nhất có một lần, khi tôi, cũng theo bản năng của tất cả những người bị tuýt còi, ra sức năn nỉ “các anh thông cảm”. Đồng chí CSGT đó có lẽ đã quá chối tai với những lời lẽ tương tự, nên chỉ cười nhạt “Cảm với cúm cái gì”. Câu thành ngữ sành điệu ấy khiến tôi bật cười và thôi không xin xỏ nữa. Vấn đề là mình mắc lỗi với luật, chứ đâu phải mắc lỗi với cá nhân các đồng chí ấy mà xin sự thông cảm.

Trái với câu chuyện trong Những người khốn khổ, ở ngoài đời, do dân trí nói chung còn thấp và thói quen sợ hãi đã ăn sâu vào đầu óc người ta, nên người lương thiện thường vỡ mật khi bị CSGT tuýt còi. Còn những kẻ cậy quyền, cậy thế hoặc những kẻ bất lương, cáo mượn oai hùm thì lại không sợ, thậm chí quay ra chửi bới, tấn công CSGT. Đã có biết bao nhiêu trường hợp vi phạm luật lệ giao thông lại xưng là cháu chú nọ, người nhà chú kia… hòng gây sức ép lên CSGT, thậm chí đe dọa đuổi việc họ. CSGT cũng là người, mà phàm đã là người thì cũng nên nể hoặc sợ sếp. Một khi sếp hoặc bố sếp hoặc dâu, rể, rễ chuỗi của sếp, thậm chí hàng xóm, láng giềng của sếp gọi đến thì cũng khó nghĩ lắm.

Vậy khi bị CSGT tuýt còi, bạn phải làm gì? Đương nhiên rồi, tạt xe vào lề đường theo hướng cây gậy sơn trắng của các đồng chí ấy, và mở cửa xe (tôi đang nói đến ô tô), cầm giấy tờ lon ton chạy lại gần các đồng chí CSGT (vừa chạy vừa nở nụ cười cực kỳ e thẹn, dễ thương, tay kia thì gãi đầu gãi tai như một cậu học trò bị gọi lên bảng). Mặc dù lúc đó các đồng chí CSGT rất lịch sự và bài bản đứng nghiêm giơ tay lên mũ chào bạn, nhưng bạn không hề chú ý đến nghi thức thiêng liêng thể hiện sự tôn trọng dành cho mình ấy. Đó là sự tôn trọng dành cho những công dân đang tham gia giao thông trên đường, cho dù công dân đó có thể mắc lỗi. Vì thế không có lý do gì để chúng ta, những công dân lương thiện, lại tự hạ thấp phẩm giá của mình khi mắc lỗi, và qua đó làm khó cho những đồng chí CSGT đang thi hành công vụ.

Có lần một anh bạn tôi, sống ở Mỹ lâu năm, khi về Việt Nam lái xe, cũng bị CSGT tuýt còi. Anh ta tạt xe vào lề đường, dừng xe, nhưng một lúc lâu vẫn không thấy anh nhô đầu ra, đồng chí CSGT mới lại gần ra hiệu ra khỏi xe, và trách anh là sao cứ ngồi lì trong đó. Anh ngạc nhiên quá. Anh đâu có ý “hỗn”. Chẳng qua ở Mỹ, người vi phạm luật lệ giao thông, sau khi bị tuýt còi phải dừng xe và ngồi im tại chỗ, hạ kính trước xuống và đặt tay lên vô-lăng (để giữ nguyên hiện trường). Rời vị trí hoặc cử động chân tay có thể bị bắn vì cho là cố ý chống lại người thi hành công vụ.

Nếu ở Việt Nam cũng cư xử theo cách đó thì có lẽ chúng ta không phải bắt gặp những cuộc xin xỏ, cầu khẩn như thú tội với cha cố giữa người phạm luật với CSGT trên các đường phố nữa.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm