04/03/2012 15:26 GMT+7
(TT&VH) - 1. Ngày xưa, Nguyễn Bính viết bài thơ Lá thư về Bắc có đoạn rất cảm động: “Thỉnh thoảng anh nên phí ít giờ/Viết cho em lấy một dòng thư/Trời ơi, tưởng tượng em sung sướng/Được đọc thư anh gửi bất ngờ”.
Cũng bài thơ ấy chứa đựng những tình cảm chan chứa hăng say của người thanh niên lên đường đi lập nghiệp phương xa: “Xe lửa qua Gôi, qua Ninh Bình/Lần lần xe lửa tuốt vô Thanh/Quay về đất Bắc, em thầm nhủ/Nơi ấy quê ta, ôi cảm tình!”.
Những tình cảm như thế giờ đây tuyệt vô âm tín trong thơ ca Việt Nam cũng như trong đầu óc con người. Nguyên nhân là vì đâu? Chắc hẳn không vì con người ngày nay kém tình cảm, mà rất đơn giản, ngày nay ai viết thư nữa, đi tàu hỏa từ đầu này đến đầu kia đất nước cũng là chuyện ngày càng hiếm rồi.
2. Cũng như nhiều người, như tất cả mọi người của thời hôm nay, tôi có hòm thư E-mail chứ không chờ đợi thư tay nữa. Mọi thứ đều đi qua đường điện tử, giờ chỉ còn những người tổ chức chương trình văn hóa giàu lòng hoài cổ mới còn gửi giấy mời qua đường bưu điện, hoặc giả họ là những người cẩn thận: đã gửi qua E-mail rồi lại gửi thêm giấy mời in giấy nữa cho “chắc ăn”.
Nhớ cách đây mới chừng chục năm, phần lớn thư từ trao đổi còn tin cậy giao phó cho những thùng thư bưu điện và các bác bưu tá, giờ đến đọc sách còn đọc bằng Kindle, i-Phone, sáng “lướt oép” (web) bằng i-Pad, trong cặp trong túi gần như không bao giờ có bút, để mà mỗi lần cần ký tên nhiều khi nhao nhác lên vì hỏi khắp đồng nghiệp trong phòng cũng không ai có lấy một cái bút.
Hồi đầu thì FPT, VNN, những hòm thư lôi thôi cách rách trong chuyện đăng ký mà lại có dung lượng rất nhỏ, thế nhưng có cái địa chỉ E-mail mà in lên danh thiếp thì thấy “oai” lắm, thấy như thể mình đang đơn thương độc mã bước vào một thế giới khác, nơi chỉ chấp nhận những con người tân tiến, kịp thời hiểu tầm quan trọng của sức mạnh và tốc độ điện tử. E-mail hồi ấy lắm lúc bỏ quên hàng tuần, hàng tháng không “check”, đến khi sực nhớ mở ra thì ôi thôi đã quên mất password.
Rồi dần dà, cũng chẳng biết chính xác là lúc nào, E-mail trở thành không thể thiếu, hiện diện đương nhiên trong cuộc sống, rồi E-mail được tích hợp vào các loại điện thoại “smart”, đi đâu cũng check mail, mở ra giải quyết công việc ngay cả khi ở nơi núi rừng heo hút, hoặc nhấn vào một đường link xem câu chuyện cười, một cái tin đang rất “hot” ngay trong lúc đang làm một số công việc chỉ liên quan đến cá nhân mình.
3. Thoắt đi một cái, hòm thư E-mail cũng đầy lên như hòm thư gỗ hòm thư sắt trước kia, mỗi lần ta đi xa không về, để thư từ, báo chí, sách vở, tờ bướm quảng cáo vân vân và vân vân chảy tràn ra khỏi ô, giống như một thứ gác cửa trung thành luôn luôn đập ngay vào mắt ta trước nhất lúc trở về nhà, để ta yên tâm rằng trong khi đi xa, vắng mặt ở đó, ta vẫn không bị lãng quên, rằng “đâu đó có người đợi ta”.
Hòm thư của Goolge (gmail), một thứ vô cùng “oách” khi mới ra đời, hứa hẹn với người sử dụng là sẽ cung cấp một dung lượng “vô biên”, điều khác biệt căn bản với mọi loạ E-mail đang tồn tại vào thời điểm ấy, tức là không việc gì phải tiếc bộ nhớ, không việc gì phải lâu lâu xóa bớt thư cũ. Bỗng đến lúc hòm thư gmail cũng đầy tràn, trong bối cảnh cả thế giới ai ai cũng E-mail từng giờ, từng phút. Tức là cả công nghệ tiên tiến nhất cũng chẳng hề “vô biên”, công nghệ cũng có thể đánh lừa, như xưa kia người bưu tá đến không đúng giờ làm ta lỡ dịp được nhận một lá thư mãi không thấy tới.
Rồi cái hòm thư E-mail cũng có thể trở nên nhức nhối với những bạn bè thư từ từng nhộn nhịp cách hiện nay hàng trăm trang về phía trước, giờ làm gì ở đâu không thể biết được. Nhức nhối với một lá thư giải quyết công việc còn nằm đó mà ta quá chán không mở ra đọc, những nhắc nhở như được gửi tới từ một người quan sát hùng mạnh vô hình nào đó…
Lo đối phó với sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của những E-mail đã trở thành một đặc điểm của con người thời công nghệ cao hiện nay. Lấy đâu ra mà: “Trời ơi, tưởng tượng em sung sướng/Được đọc thư anh gửi bất ngờ”. Người ta thấy bất ngờ vì một lá thư nhàu nát do đã đi qua một chặng đường dài gian khổ, vì nét bút có vẻ kém lực so với ngày trước, chứ không thể bất ngờ vì một cái E-mail theo font chữ quy chuẩn và tiêu đề chung chung theo kiểu “Dạo này thế nào?”, “Lâu quá không thấy”…
4. Hòm thư đầy, sau những ngao ngán tiếc nuối, rồi sẽ đến lúc con người “pro” chúng ta hiểu ra rằng phải can đảm mà tiếp tục cuộc chơi được quy định luật lệ chặt chẽ: đã đến lúc từ bỏ sự miễn phí dễ dàng, trả tiền để mua tiếp cái sự “vô biên” được hứa hẹn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất