Văn hóa “đụng xe”

02/03/2012 06:11 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Hơn 20 năm đi xe máy rồi ô tô cho đến giờ, tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, nếu mình gây ra va chạm trên đường thì mình sẽ phải làm gì?

>> Mời bạn theo dõi các bài viết trong chuyên đề Lối sống đô thị tại đây

1. Câu trả lời thoạt đầu có vẻ rất đơn giản: Nếu va chạm nhẹ, thì mình thành thực xin lỗi. Nếu va chạm nặng gây ra thiệt hại về tài sản thì mình thỏa thuận để đền bù. Nếu trầm trọng hơn, thì đương nhiên sẽ có công an đến giải quyết.

Nhưng những gì “mục sở thị” trên đường, tôi lại thấy đáng lo hơn nhiều. Rầm một cái. Con Dylan và Dream đổ kềnh ra đường, hai người đàn ông đi trên hai chiếc xe đâm nhau lóp ngóp bò dậy, còn cô gái (ngồi phía sau chiếc Dream gây tai nạn) thì văng ra một góc, mỗi chiếc guốc của cô bắn đi một nơi.

Có vẻ như tất cả chỉ bị xây xát nhẹ. Chứng cớ là hai người đàn ông sau khi tập tễnh đứng dậy, thay vì sờ nắn chân tay, đầu cổ mình xem có còn nguyên vẹn không, thì lại quay sang sờ nắn chiếc xe. Bất đồ, chàng Dylan hào hoa trong thoáng chốc đã biến thành một con người hoàn toàn khác, chàng bỏ xe đấy lao đến chỗ chàng đi Dream nhanh hơn sấm sét. Và trong khi chàng Dream đang ngẩn tò te chưa biết xin lỗi hay đền bù kiểu gì, thì một cú đấm trời giáng đã khiến chàng bật ngửa ra phía sau. Và rồi như con hổ đói vồ mồi, bằng tất cả sự căm phẫn, chàng Dylan lao vào đánh tới tấp vào đầu vào cổ đối thủ, không cho phân bua gì. Đứng cách hai chàng một quãng, kiễng chân lên, tôi chỉ thấy hai cánh tay hộ pháp của chàng Dylan đập tới tấp xuống đầu đối phương như một vận động viên bơi sải đập trên mặt nước. Chỉ thấy chàng đi Dream kêu “Ối, anh ơi” như một đứa con nít. Cô người yêu anh cũng chồm dậy gào lên “Cứu tôi với”, “Ối giời ơi, anh ơi, chúng em đền”. Lại thấy anh Dylan dúi cổ anh Dream xuống đường nhựa, “Này, thì đền này, này thì đền này”, mỗi một câu anh Dylan đều tặng kèm một quả đấm thật lực.


Đua xe F1 trên đường phố Việt Nam - Đường đua có một không ai trên thế giới?

Tôi không chứng kiến vụ tai nạn từ đầu, nên không biết ai sai ai đúng. Tôi cũng không chứng kiến đến tận lúc cuối, nên tôi không biết chàng Dream phải đền bao nhiêu. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu mình là anh chàng đi Dream thì sao?

Đi đường dù cẩn thận đến đâu, trong thời buổi giao thông đang là quốc nạn này, cũng không thể tránh hết được va chạm (mình không đâm vào chúng nó thì chúng nó đâm vào mình). Nếu chẳng may va chạm xảy ra, mà kẻ kia, bất chấp đúng sai, phải trái cứ nện mình như nện một con chó như thế thì mình sẽ phải làm gì?

Quả thật, ở đời này, có những kẻ đâu coi thiên hạ ra gì, sẵn sàng hạ nhục một người đàn ông ngay trước mặt thân nhân hay người yêu, hay vợ con của họ.

Nếu tôi là chàng Dream và cô gái kia là người yêu tôi, liệu tôi có thể bảo vệ được danh dự của mình giữa trận đòn thù ấy? Sau trận đòn ấy tôi có còn dám ngửa mặt lên nhìn cô ấy hay có còn mặt mũi nào để đi qua con phố ấy nữa không?

2. Nếu là bạn thì bạn sẽ xử trí ra sao?

Bạn có thể có võ nghệ hoặc không, bạn có thể dạn đòn hoặc chưa từng to tiếng với ai ở đời, nói gì đến chuyện giở nắm đấm ra để phân biệt phải trái. Giờ đây, ai sẽ bảo vệ bạn? Dù có bản lĩnh để đả lại đối phương, nhưng xô xát nơi công cộng có nên chăng? Bạn là người tử tế, sòng phẳng, bạn sẵn sàng đền bù thiệt hại cho người ta, thậm chí gấp đôi so với những gì mà mình gây ra, nhưng vấn đề bây giờ không phải là tiền bạc mà là những quả đấm. Bạn phải đối diện với những quả đấm vô lý từ một kẻ tự cho mình cái quyền được hành hung người mắc lỗi mình.

Sau cái lần chứng kiến vụ va chạm ấy, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện phải “quân tử phòng thân” khi đi trên đường; và khả năng để bảo vệ được thân thể và danh dự của mình khi xảy ra các vụ va chạm trên đường phố văn minh có khi còn khó khăn hơn là phải tự vệ giữa bầy muông thú trong rừng xanh.

Rất may là tôi chưa phải đặt mình vào những tình huống khó khăn tương tự. Nhưng xảy ra cãi vã, chửi bới thì khá nhiều. Có lần trên đường Chùa Bộc, một chiếc xe dừng đột ngột làm cả một đoàn xe phải phanh dúi dụi vào nhau, trong đó có xe của tôi. Không có va chạm xảy ra, nhưng ai cũng bực bội. Lỗi dĩ nhiên không phải do tôi gây ra mà là một cái xe đi trước, ai cũng biết điều đó, chỉ có gã trung niên đi sau tôi làm như không biết. Sau khi dựng chiếc xe của gã dậy (xe gã tự đổ do phanh gấp để tránh xe tôi), gã bắt đầu chửi bới ầm ĩ. Gã chửi đích danh tôi (thằng đi xe Viva kia), rồi phóng xe đuổi theo, mặc dù tôi đã dừng lại ra hiệu nói rằng tôi chỉ là một nạn nhân và không hề có ý định trốn chạy. Nhưng gã cứ đuổi, vừa đuổi gã vừa chửi, đôi lúc còn vượt lên hòng ép xe vào lề đường đòi “tỷ thí”. Tôi đội mũ bảo hiểm kín hàm, nên tất nhiên gã không nhìn thấy mặt và với áo khoác mùa Đông lù xù, chắc chắn gã không thể đoán được tuổi tác và cả thể lực của tôi nữa. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ rằng, tại sao một con người cũng đã có tuổi như gã, và nhìn bề ngoài thì cũng không có gì là “đáng ngán” lắm, lại dám đi gây gổ với một thanh niên bí ẩn trên đường (là tôi)? Nhỡ tôi là một kẻ võ biền thì sao? Hoặc giả tôi chẳng võ vẽ gì, trói gà không chặt, nhưng tôi là một thằng nghiện có HIV trong người thì sao? Tại sao trên đời lại có một kẻ sẵn sàng gây gổ với người khác vì những sự va chạm hết sức nhỏ nhặt trên đường, bất chấp đối phương của mình như thế nào?

Nghĩ thế, tôi cứ đi xe thong thả, giả bộ cho tay vào túi quần như sắp rút ra một hung khí gì đó. Thấy tôi tỏ vẻ không sợ, gã càng lồng lộn lên, ép xe tôi vào lề đường, muốn tỷ thí ngay trên ngựa chiến. Tôi thấy gã giống hệt một con chó dại vừa đuổi vừa cắn người.

Đến một ngã ba, tôi đành sử dụng chước thứ 36 - “chuồn” sang hướng khác là hơn.

3. Trong các khẩu hiệu an toàn giao thông, tôi tâm đắc nhất với câu “Hãy kiềm chế khi xảy ra va chạm”. Câu đó nên trở thành “nhật lệnh” cho tất cả chúng ta khi dắt xe ra đường. Đã có không ít những vụ va chạm giao thông trở thành án mạng kinh hoàng không phải vì xe đâm chết người mà là vì người đâm chết nhau sau va chạm.

Trong bức tranh giao thông nhộn nhạo ngày nay, khi xe nọ vượt xe kia không phải bằng luật lệ mà bằng sự tranh giành, thì người đi đường, vốn đã hằm hè với nhau từ trước, hay giở “luật rừng” với nhau khi xảy ra va chạm là điều dễ hiểu. Những tay hung hãn, côn đồ thì lao vào gây gổ, đập phá, đe nẹt. Ngay các bà các chị cũng tung võ mồm “tàn độc” không kém khi xảy ra va quệt. Có một lần tôi điếng người khi lùi ô tô, vô ý quệt nhẹ vào gương xe của một bà chị phấn son lộng lẫy. Tôi le te xuống xe toan xin lỗi, thì bà chị khinh khỉnh hất hàm nói đúng một câu: “Tiên sư mày, mới bán đất hả con?”. Tôi ngớ người, một lúc lâu mới hiểu ra rằng mình bị chửi là thằng trọc phú (mới bán đất mua xe). Nghĩ vừa tức vừa buồn cười.

Văn hóa đi lại, tất nhiên, không chỉ được duy trì bằng sự kiềm chế. Va chạm xảy ra, nặng thì đã có pháp luật, nhẹ thì là sự thỏa thuận dân sự giữa đôi bên. Nhưng ở Việt Nam, cái xe là một tài sản lớn, xước da thì còn lành, chứ xước sơn xe thì đau hơn... hoạn, vì thế sự đền bù luôn là kết quả của một cuộc đấu khẩu hay đấu sức.

Biết đến bao giờ khi va chạm xảy ra, chúng ta có thể bình tĩnh xin lỗi nhau và chờ... bảo hiểm hay luật sư của mình đến làm việc.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm