08/01/2012 10:03 GMT+7
(TT&VH) - 1. Đến hẹn lại lên, đã tới lúc Hà Nội trải qua những đợt lạnh thảm khốc, với cái đặc trưng mà chỉ những ai sống ở đây lâu năm mới cảm nhận sâu sắc được. Đó là nhiệt độ mùa đông Hà Nội không bao giờ xuống quá thấp, nhưng cái lạnh này khó chịu thuộc hàng nhất thế giới, khó chịu hơn cả ở những nơi có khí hậu nhiều độ dưới 0.
Cùng với các phụ tùng không thể thiếu (mũ len, khăn len, găng tay, nhiều người còn bịt cả mặt bằng khẩu trang len) là tâm thức của người nhiệt đới gió mùa: có nắng thì có mưa, có nóng thì có lạnh. Sự quay vòng vòng bất tận này thậm chí còn từng là một đề tài triết học lừng danh, với sự tham gia đầy uy tín của chẳng hạn triết gia Đức Friedrich Nietzsche với khái niệm “quy hồi vĩnh cửu”.
Thiên nhiên cứ hờ hững mà trở đi trở lại, con sâu cứ thành nhộng rồi thành con bướm, còn con người cũng có ối thứ quay vòng, chỉ là người thì không thản nhiên như thiên nhiên mà hoặc háo hức, nồng nhiệt, hoặc chán nản, bi thảm.
2. Cách đây lâu lâu, cứ đến giờ là đường tắc, từ giờ cho đến Tết sẽ có một điểm khác cơ bản: vẫn sẽ có tắc đường, nhưng không phải đến giờ mới tắc, mà lúc nào cũng tắc.
Bình thường, buổi trưa về nguyên tắc là dễ thở hơn đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, nhưng giáp Tết là một cuộc phi nước kiệu của toàn xã hội để mua sắm, tặng quà Tết, đi liên hoan, thành thử giờ buổi trưa có lẽ còn nguy hại và nghiêm trọng về mặt đường tắc hơn cả lúc khác.
Lúc nào kêu gọi tiết kiệm thì chẳng biết, chứ giáp Tết là không có chuyện tiết kiệm. Đặc biệt là khối công sở nhà nước vô cùng rộn ràng. Chuyện ăn uống của quan chức và công chức thì khỏi phải bàn, ở thành phố đã là tối ngày, ở các địa phương mới thật là rõ nét. Có nơi, khi có khách quý đến, tức thì toàn thể quan chức cấp huyện, cấp xã, cả các ban ngành không có chút liên quan nào, tổ chức nghênh đón linh đình, rượu rót sái cả tay và đồ ăn thì ê hề, kể cả là trong những dịp tiếp khách liên quan đến các dự án xóa đói giảm nghèo địa phương.
Hình ảnh tắc đường thường thấy ở HN, T.P HCM - Nguồn: Internet
3. Đến hẹn lại lên, ta sẽ thấy năm nay con rồng chiếm nhiều chỗ trên báo Tết. Rồng đủ mọi hình dạng và kiểu thế, đủ mọi khía cạnh của rồng sẽ được mang ra mổ xẻ, nhàn đàm, chuyên gia lịch sử mỹ thuật khai thác những con rồng kỳ lạ trông như là có tay, nhà phê bình văn học viết một bài tổng kết về thơ con rồng trong mấy trăm năm lịch sử văn chương nước nhà.
Rồng bay, rồng lượn khắp nơi, cứ thế cho đến ra Giêng.
4. Cũng đến hẹn lại lên, báo chí tổng kết năm, nhân vật này nổi bật thế kia, nhân vật kia phát ngôn gây sốc thế này, và với sự tham gia tích cực của các tờ báo mạng, công việc tổng kết còn đi tới chỗ căn cơ tỉ mỉ như là ai ăn mặc hở hang nhất trong năm, ngôi sao nào hay tô son môi bị lệch, rồi đi giày đẹp, rồi ăn mặc vintage, rồi cách quàng khăn hay, vân vân và vân vân.
Nhìn vào báo chí, ai cũng vui vẻ mà nghĩ năm 2011 vừa rồi thật là nhiều sôi nổi và lắm chuyện để bàn, nhậu lai rai với bánh chưng kể cũng thú vị lắm.
5. Cá nhân tôi thấy có một chuyện thuộc dạng “đến hẹn lại lên” đáng nhắc tới vào “thời điểm tổng kết” này. Cho đến năm vừa rồi, đã có thể thấy rằng báo chí Việt Nam cứ đến mùa thi cử của trẻ con là cầm chắc đồng loạt đăng lên những bài tập làm văn viết dở, hoặc có chi tiết nào buồn cười, không nhầm lẫn về kiến thức thì hành văn ngô nghê. Chỉ thiếu mỗi nước các tờ báo gọi đó là “thảm họa tập làm văn” theo kiểu “mốt thảm họa” giờ đã trở thành thành ngữ quen thuộc, gì cũng thảm họa tất, thảm họa nhạc Việt, thảm họa nói năng của các ngôi sao, thảm họa phim ảnh, thảm họa ca từ, rồi cả thảm họa báo mạng.
Tôi thì nghĩ, hồi nhỏ đi học ai chẳng từng có lúc lười học bị điểm kém, úp mặt vào tường, nhỏ hơn thì bị các bạn cùng lớp lêu lêu. Sự “lêu lêu” ấy chỉ nên nằm ở trong phạm vi nhỏ, chứ thật là đáng buồn khi các nhà báo vốn viết lách cũng chẳng mấy hơn ai, hồi nhỏ có thể cũng viết đầy bài tập làm văn rất dở, cứ lôi bài làm của các em nhỏ lên báo nhằm mục đích “tăng view”.
Một trong những điều tệ hại nhất mà người lớn có thể gây cho trẻ con là làm xáo trộn quá mức cuộc sống của chúng. Một bài tập làm văn nổi tiếng hồi năm vừa rồi với tên tác giả đích xác được đưa lên báo có thể gây ảnh hưởng tai hại cho một cậu bé chưa hoàn toàn trưởng thành.
Ở một khía cạnh khác, với sự tăng tiến của độ phủ sóng báo chí, dường như rất nhiều bố mẹ muốn con cái mình được xã hội thừa nhận là thần đồng trong nháy mắt. Tấm gương về nổi tiếng quá sớm rồi đến khổ sau này, thật ra đã có quá nhiều: Shirley Temple, Michael Jackson hay Macaulay Culkin lừng danh tại nước Mỹ.
Con Sâu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất