19/12/2011 14:07 GMT+7
(TT&VH) - Chuyện hàng loạt đơn vị xuất bản cùng lên tiếng tố khổ về nạn E-book (sách điện tử) lậu bỗng trở thành lý do để nhiều độc giả mạng bày tỏ sự... ấm ức của mình.
1. Cái ấm ức lớn nhất đến từ những người vẫn hì hục đánh máy từng trang sách để đưa lên mạng hàng ngày. Ấm ức... thứ nhì thuộc về những độc giả vẫn quen vào các trang web để tìm E-book. Vì nói công bằng, đa phần các “thư viện mạng” hiện vẫn là nơi cung cấp ebook miễn phí cho người đọc.
Bởi thế, khi một tờ báo gọi họ là “những kẻ cướp giấu mặt” thì hàng loạt lời biện minh yếu ớt được đưa ra. Nào là làm vậy thì không có một đồng, ngoài niềm vui được chia sẻ kiến thức với những người yêu sách như mình. Nào là tiền đâu để mua sách giấy - khi hầu hết những người cầu viện tới E-book đều là học sinh, sinh viên vốn không dư dả gì? Nào là nhiều sách đã hết từ lâu trên thị trường, người muốn đọc chỉ còn cách trông chờ vào những ai có sách giấy và nhiệt tình làm E-book để đưa lên mạng...
Ảnh minh họa
Tất nhiên, những lập luận bằng “tình cảm” ấy chẳng có giá trị gì nếu xét mọi việc từ góc độ bản quyền.Và chuyện đôi người có ý thức tự ghi thêm vào bản E-book dòng chữ đề nghị người đọc mua sách giấy khi có điều kiện cũng không tránh khỏi một thực tế: cách làm ấy ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế cho những đơn vị xuất bản - nơi bỏ tiền bạc và công sức để ra thành phẩm. Có nghĩa, theo luật, dùng từ “kẻ cướp” để chỉ những người làm E-book lậu là đúng, dù đó là kẻ cướp “phi lợi nhuận” hay cướp để... chia (sách) cho người nghèo như truyện xưa.
2. Cứ cho là giữa không gian mạng mênh mông, cơ quan chức năng và các nhà sách đủ sức tìm địa chỉ thật và truy tố những người làm E-book lậu. Nhưng, người ta vẫn có quyền hồ nghi về hiệu quả lâu dài của những biện pháp mạnh ấy. Bởi thực tế, điều tương tự đang diễn ra ngay với sách giấy. Nghĩa là một năm vài lần, các trùm in sách lậu bị bắt giữ cùng tang vật, để rồi vài tháng sau, sách lậu lại nổi lên, và các chủ nhà sách vẫn than thở về việc bị trùm sách lậu “hút máu” mình?
Mà ai cũng hiểu, so với sách lậu “truyền thống” thì sách lậu “điện tử” dễ làm, dễ “tặng” (chứ không phải bán như sách lậu kiểu kia) và được người đọc “nhiệt tình tiêu thụ hơn nhiều”. Chẳng hạn, bạn là một người mê sách nhưng ít tiền. Trên mạng đang có hàng loạt cuốn E-book lậu hấp dẫn và miễn phí, trong khi tổng cộng giá của chúng có thể lên tới cả triệu đồng nếu mua sách giấy. Bạn có đủ nhận thức để chống lại “cám dỗ” tải sách về và đọc không, khi biết rằng hành động ấy chỉ khiến cho nhà sách mất đi một ... khách hàng tiềm năng là bạn?
Khi mà việc bảo hộ và xuất bản sách ở Việt Nam còn quá nhiều chuyện rắc rối, chẳng lẽ chúng ta lại chỉ trông chờ vào lương tâm để không tiếp tay cho những “kẻ cướp” sẵn sàng... giúp đỡ miễn phí cho mình?
Minh Châu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất