08/12/2011 10:39 GMT+7
(TT&VH) - 1. Có thể nói mùa tuyển sinh đại học năm 2011 là mùa tuyển sinh sóng gió đối với các trường đại học dân lập, nhiều trường thiếu thí sinh trầm trọng, nhiều ngành học mở ra bị “khai tử” cũng vì lý do này.
Các trường đã nhiều lần kiến nghị, gây sức ép với Bộ GD&ĐT xóa bỏ kỳ thi 3 chung (chung đề thi, chung đợt thi và chung điểm sàn), giao cho các trường tự xác định điểm trúng tuyển, tự xác định chỉ tiêu…
Tuy vậy, Bộ đã kiên quyết không bỏ hay hạ ngưỡng điểm sàn. Bởi cần phải thấy, việc sử dụng điểm sàn chung giúp nền giáo dục nước nhà xác lập mặt bằng “kiến thức, kỹ năng” tối thiểu của thí sinh có thể tiếp cận giáo dục ĐH.
Và theo thang điểm 10 hiện nay, giữa điểm 0 và điểm 10 là một khoảng cách lớn. Không thể để các thí sinh đủ các trình độ cao thấp khác nhau cùng vào học ĐH được, người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định. Và nữa, dù có cái nhìn đại lượng nhất cũng cần thấy rằng, toàn bộ hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay chưa đủ sức tiếp nhận tất cả học sinh trong độ tuổi vào học ĐH. Do vậy, việc sàng lọc là cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã có sự “cởi mở” đáng kể, để tránh hiện tượng “cơm treo mèo nhịn đói” trong tuyển sinh. Bởi cách xét tuyển nguyện vọng theo phương thức tất cả các trường cùng một mốc thời gian nhận hồ sơ, cùng công bố điểm chuẩn cố định khiến cho nhiều thí sinh dù có điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển cả nguyện vọng 2 và 3.
Năm nay Bộ quy định, các trường khi nhận hồ sơ nên liên tục cập nhật và công bố danh sách các thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký lên trên website của mình. Khi đó, thí sinh sẽ biết trường đã có bao nhiêu thí sinh đăng ký, mức điểm bao nhiêu để làm cơ sở xem xét, quyết định xem mình có nên nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đó hay không. Sau khi nộp, theo dõi thông tin, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp vào trường khác.
2. Hôm qua, Bộ lại có thêm một quy định mang tính cởi mở với các trường khi bắt đầu từ năm tới, Bộ sẽ “buông” chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ tự quyết. Đây là sự cởi mở theo hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở đào tạo. Dù yêu cầu được đáp ứng nhưng nhiều trường dân lập vẫn không mấy mặn mà bởi hơn ai hết những người làm trong ngành giáo dục biết rằng, chất lượng mới là điều quyết định, mọi con số chỉ là bề nổi. Nếu không đủ chất lượng để thu hút thí sinh một cách “hữu xạ tự nhiên hương”, thì vấn đề của các trường vẫn là mong hạ điểm sàn càng thấp càng tốt, cho đủ nguồn tuyển.
Ai cũng biết sự bùng nổ các trường đại học dân lập những năm gần đây, năm 2009, GS Trần Thanh Vân phải kêu lên: “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ đại học không còn có ý nghĩa...”.
Kéo theo đó là chất lượng giáo dục của các trường dân lập. Mùa tuyển sinh vừa rồi, chẳng phải cả xã hội đều cười về chuyện thí sinh được 12 điểm (chưa đủ điểm sàn) mà là thủ khoa một trường đại học. Hệ quả của kiểu giáo dục đó đã nhỡn tiền, như quyết định của Đà Nẵng và Nam Định không tuyển sinh viên tốt nghiệp dân lập, tại chức vào biên chế... Về mặt pháp lý, quyết định đó còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho chất lượng các trường dân lập. Đó là khi các trường còn giữ điểm sàn, nếu cứ hạ điểm sàn cho các trường dân lập tuyển ồ ạt thì liệu chất lượng nó còn xuống đến đâu? Có khi phản tác dụng, gây hại cho các trường dân lập, bởi chất lượng quá thấp, cả xã hội sẽ quay lưng chứ không chỉ là 1, 2 tỉnh.
Việc các trường không mấy mặn mà với quyền “tự quyết” mới bởi có lẽ họ biết rằng, có tăng lên cả vạn chỉ tiêu cũng không thể tuyển đủ vài trăm người theo học nếu chất lượng đào tạo vẫn như cũ.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất