01/12/2011 10:00 GMT+7
(TT&VH) - 1. Người thấy hai anh em người dân chài kia, đang theo cha lưới cá dưới sông. Người bèn gọi: các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức, hai ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Và hai anh em người ấy đã trở thành những thợ lưới người giỏi nhất thế gian, dù không tham gia vào đội… CSGT tỉnh Thanh Hóa (đi quăng lưới bắt người vi phạm giao thông). Một trong hai vị đó chính là thánh Pie gác cửa Thiên đàng mà chúng ta đều biết. Và chuyện “lưới người” nói trên mang tính ẩn dụ về sự cứu rỗi.
2. Tôi nhớ đến câu chuyện ẩn dụ sau 2.000 năm bởi vì việc khống chế người và phương tiện vi phạm giao thông cố tình chạy trốn bằng cách tung lưới vào bánh sau xe… nghe có vẻ… thô thiển quá. Nhưng đấy là biện pháp mà CSGT tỉnh Thanh Hóa đã từng thực hiện. Việc này được báo chí loan tin như sau: có những tốp CSGT đứng túc trực tại các ngã ba, ngã tư, khi phát hiện thấy đối tượng, CSGT sẽ thông tin với nhau qua bộ đàm. Sau đó sẽ có một dân phòng chuẩn bị sẵn lưới, khi thấy đối tượng đi qua, CSGT sẽ ra hiệu lệnh dừng xe, nếu đối tượng cố tình trốn chạy thì sẽ bị quẳng lưới vào bánh xe sau. Nếu quăng chính xác vào phần sau, đoạn lưới sẽ khiến xe loạng choạng rồi từ từ dừng lại.
Tất nhiên, “con cá to” mắc lưới, trong quá trình trốn chạy, giãy giụa có thể té ngã và bị thương ở các mức độ khác nhau. Và tất nhiên nữa là thợ quăng lưới cũng phải lành nghề, rủi không quăng chính xác vào bánh sau mà lại quăng lên đầu lên cổ người vi phạm hay người đi đường gần đó, thì chưa biết sự thể sẽ đi đến đâu?
Tôi hoàn toàn đồng ý với tất cả các biện pháp mạnh tay để trừng trị những kẻ đua xe, nhưng nếu mở rộng ra cả các đối tượng vi phạm luật lệ giao thông có biểu hiện trốn chạy thì hơi... quá. Việc thể hiện “quyền lực công” cần phải đĩnh đạc, đàng hoàng, chứ không phải là vây bắt một cách thủ công từng người vi phạm một như anh cao bồi quăng thòng lọng bắt bò, hay ông chài bắt cá. Lưới cá như vậy biết bao giờ mới "bắt" đủ những con cá ngang ngạnh tung hoành trên đường phố?
3. Chẳng cứ ở Thanh Hóa, ý thức người tham gia giao thông trên cả nước hiện nay rất kém. Và điều nguy hiểm hơn, ý thức chấp hành hiệu lệnh giao thông cũng rất báo động (bởi thế mới có anh điếu cày vác “badoka” xông ra đường để phân làn).
Vì thế bên cạnh các biện pháp cứng rắn như truy đuổi, lập chốt chặn… cần “giăng lưới trời” để giám sát một cách hệ thống việc chấp hành luật lệ giao thông. Có nhiều cách “giăng lưới trời”, từ các biện pháp hữu hình như hệ thống camera giám sát, chụp ảnh, bắn tốc độ, bắn sơn… đến cả tấm lưới vô hình là “tai mắt” của lực lượng chức năng và nhân dân. Khi người ta hiểu rằng, ra đường, hễ cứ vi phạm luật lệ giao thông, bất kể ở đâu, khi nào là có thể bị ghi hình, bị gửi giấy đến tận nhà để mời ra nộp phạt, thì người ta sẽ không còn đùa giỡn với luật lệ hay tìm cách bỏ trốn khi bị phát hiện nữa. Một tấm lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt như vậy mới có thể "lưới người" tham gia giao thông vào trật tự, nền nếp.
Trần Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất