Cái ác sinh sôi

21/11/2011 11:15 GMT+7

(TT&VH) - 1. Không còn là chuyện bài hát, clip tự chế nữa, cũng không còn là biệt hiệu chớt nhả, một nhóm thanh thiếu niên từ 14 - 16 tuổi tự xưng là nhóm “Sống về đêm” và “đàn em của Lê Văn Luyện” đã hình thành tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Nhóm thanh thiếu niên tự xưng danh này đã tự chế mã tấu và tuýp sắt khắc chữ “Sống về đêm”, sau đó chụp hình tung lên mạng nhằm “phô trương thanh thế”. Rất may là cả nhóm đã bị công an hỏi thăm, thu giữ hung khí trước khi chúng có cơ hội “hành sự”.

Những thông tin này đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng hôm qua, và đương nhiên mấy chữ “đàn em của Lê Văn Luyện” đã xuất hiện trên tít như một “đảm bảo vàng” là sẽ trở thành tin hot, gây chấn động dư luận.

2. Đó là điều dễ hiểu bởi dù đã gần 3 tháng trời, nhưng chắc chưa ai quên được sát thủ Lê Văn Luyện với câu chuyện giết người, cướp của  rùng rợn. Và người ta cũng không thể quên được những dư chấn xã hội kèm theo, đó là sự phẫn nộ đối với cái Ác, lời cảnh tỉnh cho các chủ tiệm vàng, lời cảnh báo đối với toàn xã hội về những tên sát thủ máu lạnh tuổi vị thành niên.


Hành hung bạn giờ đã trở thành chuyện bình thường của giới trẻ

Nhưng bên cạnh đó, việc thông tin tràn lan, đậm đặc, cùng với việc mô tả quá tỉ mỉ, chi tiết cảnh giết người... đã gây nên nỗi ám ảnh khủng khiếp trong xã hội. Hình ảnh về cái Ác không bị xóa nhòa đi mà cứ bị đóng đinh trong đầu óc con người, như những hồn ma, bóng quỷ.

Người yếu bóng vía thì sợ hãi. Còn một bộ phận giới trẻ, mạnh vía, và thích chơi trội thì đem “hồn ma, bóng quỷ” Lê Văn Luyện đó ra để giễu nhại bằng các hình ảnh, clip, bài hát tự chế, bằng những biệt hiệu, khẩu như như “anh/em thằng Luyện”... Chưa bàn đến tính chất đạo đức của các hành vi “chơi trội” kể trên, chỉ riêng việc nhắc đi nhắc lại câu chuyện về Lê Văn Luyện thôi, vô hình trung, đã khiến cho tội ác của Luyện như hồn ma, bóng quỷ cứ “sống” lởn vởn trong đầu óc mình. Lộng giả thành chân, đến một lúc nào đó, cái hồn ma bóng quỷ ấy sẽ chi phối hành động của con người. Lúc đó lại tưởng là bị “ma xui, quỷ khiến”.

Ấy là chưa kể đến chuyện, khi cái Ác nổi lên trong lòng, người ta rất dễ bắt chước các hành vi tội ác khác đã được chứng kiến hoặc được đọc qua sách, báo. Đã có không ít những tên tội phạm khi bị bắt đã khai ra việc chúng bắt chước cái Ác như thế nào, kể cả cách chế ra các loại hung khí và chính truyền thông  đã vô tình“vẽ đường” cho chúng khi mải mê “tường thuật” các vụ án.

3. Người xưa có câu “Nhất nhật bất niệm thiện/ Chư ác tự giai khởi” nghĩa là: Một ngày không nghĩ đến điều thiện/ Ngàn vạn cái ác rần rần nổi lên. Câu đó răn con người ta phải luôn nghĩ đến điều Thiện, điều tốt lành, để ngừa cái Ác, cái Xấu nổi lên trong lòng mình. Xét theo đó thì nếu truyền thông hoặc cộng đồng mạng cứ rần rần thông tin về cái Ác một cách hết sức tỉ mỉ, chi tiết, giật gân, kích thích trí tò mò, thì hiệu quả cảnh báo chưa biết được bao nhiêu, nhưng gây hoang mang là điều dễ thấy, chưa kể còn có nguy cơ khiến cho một bộ phận người xấu bắt chước.

Không còn là chuyện đùa cợt, giễu nhại nữa, sự hình thành của một nhóm “đàn em của Lê Văn Luyện”, dù ở mức độ manh nha, chưa gây ra hậu quả gì, nhưng đã là lời cảnh báo cho sự tồn tại của những “bóng ma” Lê Văn Luyện, và sự sinh sôi bất tận của cái Ác, nếu chúng ta không nhìn lại cách thông tin về nó.

Trấn Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm