Cổ tích cập nhật

08/11/2011 14:42 GMT+7

(TT&VH) - 1. Dư luận đang nhìn nhận khác nhau về việc sửa đổi đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám trong SGK ngữ văn lớp 10. Xin trích: “Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”. Trong khi đó, truyện Tấm Cám trước đây có phần kết, sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn.

Đây không phải là lần đầu tiên dư luận biết đến kiểu sửa truyện này. Đọc Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích của Tô Hoài, NXB Kim Đồng 2010, đôi chỗ, ông cũng sửa tình tiết truyện. Chẳng hạn trong Tấm Cám, Tấm cũng không tự tay đổ nước sôi vào Cám, cũng không làm mắm Cám nữa. Nhà văn cũng để Tấm nhờ vả chim sẻ bằng giọng: Se! Sẻ! Xuống nhặt thóc cho tao/ Mày ăn hạt nào thì tao đánh chết.



Nhưng tại sao, lần này dư luận lại có ý kiến dữ dội hơn, bởi sự sửa đổi được đưa vào SGK, mang tính chính thống mô phạm hơn, cần “danh chính ngôn thuận” hơn là dị bản.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc sửa đổi đoạn kết trên, bởi sự trả thù của Tấm với Cám là quá “dã man” sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em, thậm chí dẫn đến những hành động phạm tội, bạo lực. Đúng là một bộ phận giới trẻ đang trở nên hung hăng, manh động nhưng phải chăng, xã hội đang bối rối và bế tắc trong lí giải những nguyên nhân về sự nhẫn tâm của người trẻ, nên mới lôi truyện Tấm Cám vào?

2. Để bớt “nhẫn tâm”, có người hiến kế, không để Tấm giết Cám mà để Cám tự dội nước sôi vào người để làm đẹp. Có lẽ, đó cũng là một cách “cập nhật”, theo kiểu nhiều nước không tử hình bằng trường bắn mà bằng tiêm thuốc độc.

Hay nên để mẹ con Cám bỏ đi biệt xứ? Sẽ có một kịch bản kiểu các phim “bom tấn” Hollywood. Xung đột tưởng chừng đã kết thúc, nhân vật đã yên ổn số phận, nhưng mỗi khi nhà làm phim theo tiếng gọi từ lợi nhuận, kịch bản phần tiếp theo sẽ được ra đời, ai dám chắc mẹ con Cám ở nơi biệt xứ không ủ mưu giết Tấm để truyện bùng nổ những phần kế tiếp?

Cũng có người góp ý: Trong truyện Thạch Sanh, Thạch Sanh tha tội cho mẹ con họ Lý về quê quán làm ăn. Nhưng về giữa đường, trời nổi giông gió, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết. Vậy thì nên đổi thành, trên đường về, mẹ con Lý Thông bị “xe điên” cán chết.

Với chuyện cây khế, khi con chim chở người anh tham lam đi lấy vàng về, trời nổi giông bão, chim bảo người anh vứt bớt vàng xuống biển, nhưng hắn không nghe, chim rùng mình hất người anh xuống biển, hắn chết với túi vàng và lòng tham của hắn. Nên đổi thành, khi đang bay về với túi vàng lớn, bọn không tặc tấn công, chim bảo anh vứt vàng đi để thoát thân, nhưng hắn không từ bỏ, cuối cùng người anh tham lam bị không tặc bắn chết.

... Nhưng nếu như mọi người cứ “hiến kế” như vậy, có khác trào lưu chế chuyện cổ tích, chế Đôrêmon đang thịnh hành trên mạng?

3. Chuyện cổ tích, xưa nay đều nêu cao quan điểm ác giả ác báo, nhân nào quả ấy để khiến con người hướng thiện hơn. Người ở hiền sẽ gặp lành, kẻ ác phải trả giá, hoặc phải chết để cái ác vĩnh viễn không trở lại, theo kiểu motip kinh điển “Sau khi mụ phù thủy chết, công chúa và hoàng tử sống đầm ấm hạnh phúc đến đầu bạc răng long...” hoặc, mẹ con Lý Thông chết hóa thành bọ hung, còn Thạch Sanh sau này được trao ngai vàng kế vị...

Trong Tấm Cám, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đây là quy luật đấu tranh khi sự sống của bên này là cái chết của bên kia và ngược lại”. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh của truyện Tấm Cám, mẹ con Cám đã năm lần, bảy lượt giết Tấm theo kiểu truy cùng giết tận thì phản ứng của Tấm là logic và dễ hiểu để kết truyện.

Hãy để cổ tích có đời sống của mình, bởi có những chuyện chỉ xảy ra vào thời cổ tích, đừng áp đặt tư duy thời nay vào truyện cổ tích. Tất nhiên, nếu xét thấy tình tiết nọ, tình tiết kia thực sự không phù hợp, thì có thể sử dụng các “dị bản” khác, hoặc bỏ hẳn truyện cổ tích đó ra khỏi SGK.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm