06/11/2011 14:09 GMT+7
(TT&VH) - 1. Không biết biến đổi khí hậu thế nào mà có nhiều sự thay đổi gắn với chữ muộn. Trước hết là gắn với thiên nhiên...
Mọi năm vào Thu có chút hanh heo là mùa lá úa, bây giờ Thu qua mà lá vẫn xanh cho đến khi mùa Đông tuốt lá.
Trước đây, Thu về là trời không còn những cơn giông. Nhưng bây giờ thì chưa chắc.
Cây mía cữ này là ngọt, nhưng giống mía tím Hòa Bình bây giờ ăn vẫn nhạt hoét dù đã hết Thu.
Năm nay, hết Thu, trám đen mới lững thững vắng trên sạp hàng.
Tháng Mười kết thúc mùa Thu rồi nhưng dường như Thu còn nấn ná trên các món quà của mùa. Ra chợ, hàng cốm, hàng hồng vẫn đầy mà như không có gì cho dấu hiệu muộn, trừ sự cảm nhận của con người.
Những năm trước đây vào Trung Thu là bưởi hết he để mọi người có cái trông trăng nhưng bây giờ phải đợi kết mùa Thu, bưởi mới ngon. Phải chi bánh dẻo bánh nướng ngập tràn nên bưởi mới có đủng đỉnh trong trách nhiệm phục vụ con người.
Cây chậm cho trái là muộn, cây chậm cho hoa là muộn.
Biti’s nâng niu bàn chân Việt, bồ kết nâng niu mái tóc Việt. Mùa này thường thì bồ kết đã bày bán đầy chợ. Nhưng giờ chưa thấy. Phải chăng các loại dầu gội đầu ngoại nhập đã đẩy bồ kết ta ngoài đời sống vì chị em bây giờ tóc không cần dài mượt, màu tóc cũng không cần đen mun. Bồ kết không có khả năng đổi màu tóc sang vàng rơm hoặc óng ánh vàng nên không còn sức hấp dẫn nữa, hay chỉ vì bồ kết bây giờ chín muộn?
Mùa của đất trời vẫn thế, nhưng mùa của nhiều loài cỏ nay đã gắn với chữ muộn.
Có phải cỏ cây hoa lá đang trốn chạy mùa Thu, hay là mùa Thu đi nhanh quá?
2. Chữ muộn thường gắn với những nỗi buồn.
Muộn chồng là chuyện của gái quá thì.
Chậm có con là hiếm muộn.
Đi làm về trễ giờ, không chồng mong thì con cái ngóng trông, cũng gắn với chữ muộn.
Chiều muộn là trời sắp tối. Có chút gì ngao ngán nằm trong đó khi ánh dương chìm dần trả cho không gian màu xám ảm đạm.
Muộn dễ cho người ta cảm giác ngao ngán vì muộn gắn với sự chờ đợi hoặc sự lỡ dở.
Bao nhiêu chữ muộn gắn với nhiều tâm thái trên đời này thường là dính với cái buồn.
3. Con gái ở nông thôn ngoài hai nhăm là muộn, là lỡ thì. Vậy mà con gái tôi vượt qua tuổi ấy vẫn nhơn nhơn chưa nghĩ tới chuyện chồng con. Có nhắc nhở thì nó bảo thế là trẻ lâu chứ bố, sao gọi là muộn?
Chả nhẽ những khái niệm “muộn” đã đổi theo thời gian mà mình không biết?
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất