05/11/2011 13:21 GMT+7
(TT&VH) - Hôm 2/11, ông Nguyễn Minh Hồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất với Quốc hội xây dựng Luật Nhà văn - gọi đầy đủ hơn là Luật phát triển Văn học.
Tuy chỉ mới là đề xuất cá nhân của ông Nguyễn Minh Hồng, nhưng dư luận quan tâm đã bắt đầu tranh luận.
Dường như phần lớn, trong giới văn và cả các chuyên gia về luật đều không tán đồng cái gọi là Luật Nhà văn. Theo điều tra “bỏ túi” của phóng viên TT&VH với khoảng 20 nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại TP.HCM, thì họ cho rằng nếu có một Luật Nhà văn thật... chưa thuyết phục.
Bởi theo họ, xã hội hiện nay rất cần những bộ luật khác liên quan trực tiếp đến “quốc kế dân sinh”, chứ xây dựng Luật Nhà văn chẳng biết để làm gì?!
Trên dư luận mấy ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng nếu có Luật Nhà văn thì cũng phải có Luật Nhà thơ, Luật Nhà phê bình, Luật Kỹ sư, Luật Bác sĩ v.v.. Nếu mỗi ngành nghề đều có riêng một bộ luật như thế, thì không biết sẽ có bao nhiêu bộ luật cho đủ!
Nói gì thì nói, nhà văn vẫn là một công dân bình thường như tất cả các công dân khác, tức là sống và làm việc theo những luật định hiện hành.
Nếu xem nhà văn và hoạt động cầm bút như một nghề đặc thù, thì những bộ luật khác, như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ... hiện nay đã đủ để điều chỉnh hoạt động của nhà văn rồi.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là: “Như thế nào mới được công nhận là nhà văn?”. Ai cũng biết, nhà văn tức là người làm công việc sáng tạo dựa trên ngôn ngữ chữ viết. Nhà văn hay không phải nhà văn phải dựa vào tác phẩm và được người đọc chấp nhận. Hiểu nhà văn như thế vẫn còn khá chung chung, vì ở xứ ta hay ở bất cứ đâu, người cầm bút thì luôn nhiều hơn những người có tác phẩm được công nhận. Bởi có rất nhiều người cũng cầm bút viết rất hăng, nhưng tác phẩm của họ “méo tròn” thế nào thì không ai biết cả. Vậy nhà văn - ông/ bà là ai?
Rõ ràng là, nhà văn không được chứng nhận dễ dàng như: nhà giáo, bác sĩ, công an, lao công, tài xế taxi... Vì các nghề khác, người làm nghề kiếm sống được bằng lao động nghề nghiệp. Còn nhà văn ở ta, có mấy người thực sự “kiếm cơm” bằng nghề viết văn hay viết văn chỉ là một thú vui tao nhã hầu kiếm chút danh với đời? Khi muốn “luật hóa” thì mọi thứ phải rành mạch, cụ thể.
Chẳng hạn như quy định kết nạp hội viên mới của các hội văn nghệ địa phương là người viết phải có ít nhất một tác phẩm in thành sách, muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam thì phải có hai tác phẩm in thành sách trở lên...
Như lời của ông Nguyễn Minh Hồng phát biểu trên một tờ báo, thì nhà văn ở đây được hiểu là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Hồng nói: “Vì tôi là hội viên nên tôi chọn... Luật Nhà văn!” (Thanh Niên ngày 4/11).
Nhưng ngay cả khi có thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì liệu bao nhiêu người “có thẻ” gắn liền với việc có tác phẩm được người đời biết đến và có bao nhiêu hội viên sống được bằng nghề?!
Nếu đúng như lời của ông Nguyễn Minh Hồng, thì Luật Nhà văn được hiểu “thấu đáo” là luật của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi xây dựng một bộ luật, hẳn nhiên cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội phải hướng đến tính phổ biến rộng rãi của luật đến với số đông con người trong xã hội. Nhưng với Luật Nhà văn, giả định là nó sẽ được ban hành, thì bộ luật này sẽ có phạm vi điều chỉnh vào những ai? Bởi những ai yêu văn chương Việt đều biết, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ có khoảng 1.000 hội viên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất