Hay là nhịn hẳn khoản cười

29/10/2011 11:07 GMT+7

(TT&VH) - Cười không làm ai bị làm sao, có thể là mỏi miệng một chút, hoặc là mãnh liệt lắm thì làm người ta ngã, nhưng là... ngã từ trên ghế xuống đất, chứ không đến nỗi như những trò mơ mộng bay bổng lơ lửng tận trên mây trên trời rồi diều đứt dây ngã từ không trung xuống đất vỡ cả đầu. Thế mà nhiều lúc cái sự cười này cũng nhiêu khê lắm.

Vài tuần vừa qua, cả xã hội lên một trận cười lịch sử, nhất là trên các diễn đàn và trang cá nhân mà internet cung cấp cho chúng ta. Trận cười này liên quan đến một cuốn sách có tranh tên là Sát thủ đầu mưng mủ. Người ta cười vì bản thân cuốn sách gây cười cho họ, người ta cười vì cuốn sách gợi hứng cho họ nghĩ ra những thành ngữ mới mẻ (có lẽ chỉ cần đi “hứng” những câu thành ngữ vừa được cộng đồng tạo ra trong mấy ngày vừa rồi là đã có thể làm thêm một Sát thủ đầu mưng mủ nữa), và người ta cười vì những câu chuyện xoay quanh cuốn sách.

Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên từ lâu lắm rồi giới trẻ Việt Nam lên tiếng rầm rộ đến vậy, lần đầu tiên họ thực sự trở thành tâm điểm chú ý của xã hội và cũng là lần đầu tiên người ta thấy cách đặt và nhìn nhận vấn đề của họ từ khoảng cách gần đến vậy; và thấy được họ biết cười đến như thế nào. Hơn thế nữa, câu chuyện đang xảy ra này cũng cho thấy rằng giới trẻ (hay được gọi là “tuổi teen”) Việt Nam mong muốn được đóng góp cho cộng đồng đến thế nào.

Chứng kiến nhiều người cười cùng một lúc như thế, thú thực bản thân tôi thấy đỡ... tủi thân, vì “cầm” cái mục “Nhìn ngược - Nhìn xuôi” đi châm biếm nhiều thứ như thế này, nỗi lo thường trực của tôi là người ta không cười, không thể cười và không muốn cười nữa. Trong Sát thủ đầu mưng mủ tôi nhìn thấy rất nhiều khả năng châm biếm của những người tuổi đời rất khiêm tốn, họ bình luận ngắn gọn về xã hội: “Trăm lời anh nói không bằng làn khói @” và họ bảo: “Thất bại vì ngại thành công”. Họ cũng rất cao cường trong sự đáp trả những cáo buộc về “nhảm nhí”, “vi phạm thuần phong mỹ tục”, rồi những đòi hỏi về “giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt” rộ lên từ tứ phía: những bức tranh biếm họa mà cộng đồng họa sĩ (đã rất lớn mạnh trong giới trẻ, trong đó có những tên tuổi đã xuất hiện ở cả nước ngoài) vẽ ra để ủng hộ đồng nghiệp Thành Phong, nhiều bức xuất sắc hơn những bức từng được giải biếm họa báo chí toàn quốc; những bức thư ngỏ của những cô bé cậu bé tiết lộ họ thấy bức bách làm sao vì những dạy dỗ cứng nhắc và nhẹ nhàng nhưng đanh thép đòi quyền được lên tiếng. Bên cạnh đó, tuyệt đại đa số chuyên gia ngôn ngữ học từng lên tiếng trong mấy ngày vừa qua thể hiện bao dung, thậm chí “nâng niu” sản phẩm của ngôn ngữ cộng đồng này.

Tôi cũng hơi tủi thân vì giới trẻ ngày hôm nay lên tiếng được một cách hào hùng như vậy, đa dạng phong phú và hài hước như vậy, chứ với những gì thể hiện ra bên ngoài, thời của chúng tôi sau này thường bị đồng hóa như là một “thế hệ Hoa học trò”, nhìn đâu cũng chỉ thấy những vẩn vơ suy tư, thương nhớ âm thầm, tình cảm ướt rượt của Hương đầu mùa, Mực tím v.v... và v.v... trong khi sự thật đâu phải vậy. Nhìn vào Sát thủ đầu mưng mủ có thể thấy chắc chắn nhiều câu thành ngữ rất ác chiến là sản phẩm của thời chúng tôi, tức từng là tuổi “teen” cách tuổi “teen” bây giờ chừng trên chục năm. Thế mà vì không được bộc lộ đầy đủ, bây giờ tôi chỉ còn biết thở dài ghen tị.

Thở dài ghen tị và đồng thời cũng lo lắng cho tiếng cười mới bắt đầu được nghe thấy của những người còn rất trẻ kia biết đâu sẽ không được thoải mái mà “phát huy”. Có vẻ rất nhiều người đã quên mất khả năng cười, họ nhân danh cái này cái kia lên án rất kinh, họ không nghĩ cười là một thứ “tuyệt vời ông mặt giời”, và cũng có cả những người dường như sợ tiếng cười làm họ ngã rơi khỏi cái ghế chức quyền của mình.

Hay họ nghĩ thời lạm phát này, nhịn được cái gì đỡ cái đó. Hay là ta nhịn hẳn khoản cười, vì cười rất là xa xỉ.

Nhưng trong số các loại nhịn kinh điển, nhịn cười thuộc hàng khó làm nhất. Muốn lắm lắm có khi cũng không nổi.

Con Sâu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm