Nỗi đau nhà khoa học

28/10/2011 10:42 GMT+7

(TT&VH) - Con tê giác Java cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam đã chết. Cái chết mà các nhà động vật học Việt Nam, các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên thế giới thừa nhận “cực chẳng đã” mới phải tuyên bố. Thời điểm “lịch sử” đối với ngành động vật học Việt Nam cách đây 13 năm, vào mùa Hè năm 1998 khi những bức ảnh hiếm hoi nhờ “bẫy ảnh” của các chuyên gia quốc tế chụp được tê giác một sừng tại khu bảo tồn tê giác Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, không ai ngờ được bi kịch của ngày hôm nay.

Sự phát hiện tê giác, tưởng chừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam càng làm cho chúng ta thêm trân trọng và tự hào là đất nước với rừng vàng biển bạc, thiên nhiên giàu có. Và chúng ta đã cố gắng giữ niềm tự hào ấy, lực lượng kiểm lâm vườn quốc gia, cảnh sát môi trường, hệ thống pháp luật, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, trong thời gian qua, có lẽ ngoài rùa hồ Gươm, thì tê giác 1 sừng là loài vật được các nhà khoa học “chăm sóc” kỹ nhất. Nhưng mọi sự chăm sóc, can thiệp của con người đều không thể thay thế được tự nhiên, khi chính con người không giữ được môi trường tự nhiên nhất cho loài vật, thì sự diệt vong là tất yếu. Cái khác ở đây, khi cụ rùa vẫn an toàn bởi cụ rùa sống trong một khu hồ, giữa trung tâm thành phố, khi mà bất cứ động tĩnh nào về môi trường sống của cụ đều được dư luận đánh động và soi xét kỹ lưỡng. Còn quần thể tê giác, môi trường sống của nó là hàng vạn héc ta rừng tự nhiên. Khi rừng bị xâm hại, lâm tặc và thợ săn nhiều hơn kiểm lâm thì sự sống còn của tê giác chỉ là sự may rủi.

Liệu chúng ta có còn hy vọng? Tôi rất đau xót khi đọc những dòng tâm sự của GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam trên TT&VH ngày hôm qua 27/10: “Họ tuyên bố “tuyệt chủng” thì mình chấp nhận, nhưng tôi vẫn đề nghị với Bí thư huyện ủy Cát Tiên có thể nhờ bà con dân tộc tiếp tục để ý, tìm kiếm, nếu thấy dấu vết phải báo lại ngay. Coi như “còn nước còn tát”. Ông một nhà khoa học đầu ngành về bảo vệ động vật Việt Nam, một ông lão đã 80 tuổi đã dành gần như cả đời mình để bảo vệ các loài động vật, bảo vệ sự “giàu có” của thiên nhiên đất nước cho thế hệ mai sau. Hy vọng “còn nước còn tát” của ông, nghe mà chua chát. Chính ông nói với tôi, đã mấy chục năm nay, ông ăn chay, trên bàn ăn không hề có một loài động vật nào. Nói ra điều ấy để thấy nỗi đau của nhà khoa học sẽ thật ngậm ngùi như thế nào!

Cách ngôn có câu: “còn sống là còn hy vọng”, chúng ta cũng hy vọng cùng ông. Nhưng trước khi phép nhiệm màu xảy đến, chúng ta cũng hãy dành niềm hy vọng cho những loài vật vô tội khác, đang đứng trước thảm họa bởi lòng tham của con người, đó là những loài hươu vàng, sao la, voọc mũi hếch, loài voi, hổ, bò tót... Để mai sau, con cháu chúng ta có thể tự hào mà thấy rằng, ngoài những con vật “vô tư lự” bên “lối phẳng hoa trồng” ở vườn bách thú, thì ở đâu đó trong thiên nhiên, giữa “cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi”, vẫn còn những loài động vật hoang dã, đúng nghĩa.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm