Đừng nên coi là "lệ làng"

25/10/2011 10:54 GMT+7

(TT&VH) - Gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ra văn bản nghiêm cấm các lãnh đạo từ cấp vụ của Bộ chơi Golf. Mới đây tỉnh Nam Định tuyên bố không tuyển dụng công chức là sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH dân lập, tư thục, tại chức. Nam Định không phải là địa phương đầu tiên có tuyên bố gây “sốc”. Trước đây, Đà Nẵng đã quyết định không nhận người có bằng tại chức vào các cơ quan Nhà nước của thành phố. Các văn bản trên đã khiến dư luận rộ lên nhiều ý kiến trái chiều.

Những ý kiến phản biện đều cho rằng đó là những văn bản trái luật, duy ý chí. Cần thấy rằng, trước đây, dư luận cũng không hiếm gặp những văn bản trái luật được từng cơ quan, đơn vị cụ thể đưa ra như cấm học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật ở ngoài trường, cấm người ngực nhỏ điều khiển xe máy... Những văn bản này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, bị dư luận phản bác và không thể đi vào hiện thực.

Vấn đề đặt ra là tại sao, các văn bản của Nam Định, Đà Nẵng, Bộ GTVT lại được nhiều ý kiến ủng hộ? Phải chăng phép vua thua lệ làng?


Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đang đặt ra ngày càng cấp bách

Như quyết định của tỉnh Nam Định, về mặt lý là trái với pháp luật. Vì Luật Giáo dục công nhận bằng cấp của hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập tương đương nhau vì thế không có lý do gì Nam Định được quyền phân biệt. Đó là chưa kể, sinh viên ngoài công lập họ cũng là một công dân như bao công dân khác nên họ có quyền được nộp hồ sơ vào các đơn vị tuyển dụng. Nhiều người coi Nam Định (cũng như Đà Nẵng trước đó) chạy theo bằng cấp, háo danh.

Nhưng hãy xem lại chất lượng giáo dục của các trường dân lập. Mùa thi tuyển sinh vừa rồi, chẳng phải cả xã hội đều cười về chuyện làm bài thi được 12 điểm (chưa đủ điểm sàn) mà là thủ khoa một trường đại học. Và xin thưa, ngoài các lớp ngoài công lập, tại chức học tại các trường, hiện nay ĐH không chính quy còn phổ cập đến nỗi nhiều trường đang “làm” ăn theo kiểu mở các lớp tại chức, chuyên tu về đến tận cấp... huyện.

Vì vậy, có thể nói lỗi ở đây không phải là do thí sinh học tại chức, dân lập, cũng không phải do Nam Định mà trước hết, nó do sự yếu kém trong điều hành vĩ mô của ngành giáo dục. Như GS Võ Tòng Xuân đã từng phát biểu: “Hệ quả của việc ồ ạt mở trường đã làm chất lượng đào tạo khối ngoài công lập không tiến thêm được. Tại sao lại mở nhiều trường như thế khi thực tế cách đây nhiều năm, chúng tôi đã nhận thấy rõ vấn đề giáo dục ĐH thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất và thiếu cả sinh viên (như sự thật nhãn tiền mùa tuyển sinh năm nay). Trong 22 năm (1987-2009), số sinh viên tăng 13 lần (từ 130.000 lên 1,7 triệu), trong khi số giảng viên chỉ tăng ba lần”.

Như vậy, chuyện người ta từ chối bằng tại chức là có lý do thực tế của nó. Tương tự, chơi golf, chơi thể thao rất tốt, bản chất các môn thể thao không có gì xấu cả, nếu có điều kiện chơi được là tốt. Nhưng trong lúc bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp gặp khó khăn thế này thì phải tập trung trí tuệ, thời gian nhiều hơn cho công việc. Đặc biệt chơi golf mất nhiều thời gian, trong khi ngành giao thông có đặc thù là thường đi kiểm tra công trường vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đó là chưa kể chi phí, dụng cụ chơi golf đắt tiền…. Đó là những lý do khiến Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm cán bộ lãnh đạo ngành giao thông chơi golf.

Những người sống trong một đất nước dân chủ, công bằng, văn minh đều phải thượng tôn pháp luật. Nhưng hệ thống luật pháp suy cho cùng là do con người làm ra và thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Vậy nên, khi quan điểm cấm chơi golf của Bộ trưởng Đinh La Thăng, quyết định của một số tỉnh về tuyển công chức… xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn nên được đông đảo nhân dân đồng tình. Không nên xem nó là "lệ làng", mà nên xem là các quy định đặc thù, trong điều kiện, giai đoạn nhất định. Khi tình hình thực tế thay đổi, các văn bản này có thể hủy bỏ hiệu lực cũng chưa muộn.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm