19/10/2011 10:43 GMT+7
(TT&VH) - Tối 17/10, đoạn video quay cảnh một thanh niên đầu trọc tay lăm lăm chiếc điếu cày như sẵn sàng... cho bất cứ ai đi sai làn đường ăn điếu đã gây sửng sốt dư luận.
Đoạn video được đăng tải trên YouTube đã lập tức được lấy lại nguồn với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn và mạng xã hội. Trước hành vi có hơi hướng bạo lực của người thanh niên, dư luận phân ra làm hai luồng rõ rệt. Người ủng hộ, cảm thông, người phản đối, lên án kịch liệt. Theo tôi, sự phân luồng trên thể hiện tâm trạng bối rối của xã hội trước những gì đang diễn ra của giao thông nước ta. Tại sao, trước một hành vi sai trái rõ ràng ấy lại kẻ khen, người chê, ấy là vì anh ta lấy một hành vi sai của mình để điều chỉnh một loạt hành vi sai của người khác.
Tôi không bênh, cũng không chê người thanh niên kia, nhưng xin mở rộng vấn đề theo diễn tiến tâm lý của người tham gia giao thông. Theo tâm lý học, hành vi bị chi phối bởi nhu cầu con người, nhu cầu góp phần điều khiển hành vi của con người.
Vác điếu cày đi phân làn giao thông
Không nói cũng biết, giao thông tại các thành phố lớn đang quá tải, nói cách khác là cầu vượt quá cung. Cụ thể, nhu cầu tham gia giao thông của mọi người đang vượt quá khả năng đáp ứng của các con đường, các bãi đỗ xe. Vì thế, để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình, con người tìm ra quá nhiều hành vi để thực hiện. Mà nhu cầu con người mang tính vị kỉ, vì thế ai cũng muốn vượt lên thiên hạ cái bánh xe, đi lấn vào làn đường khác mà mong chỉ mình mình lấn được với mong muốn kết thúc hành trình của mình một cách sớm nhất. Thế nên không ai nhường ai cũng là điều dễ hiểu.
Xét về tâm lý học có thể chia nhu cầu trên làm ba mức độ: Thứ nhất là lòng mong muốn: ở mức độ này con người còn giữ được ý thức sáng suốt, động cơ còn trong sáng, nhân cách còn trọn vẹn. Thứ hai là tham: đến mức độ cả tham ý thức bắt đầu lệch lạc và thiếu sáng suốt cho nên con người hoạt động rất tích cực và mang tính ích kỷ. Thứ ba là đam mê: ở mức độ này nhân cách bị tha hóa hoàn toàn, mất hẳn ý thức, có nhiều hoạt động thiếu sáng suốt đến mức mất hẳn tính người, hoạt động điên cuồng, rồ dại và độc ác.
Không thể nói những người tham gia giao thông có nhu cầu vượt trước ở mức đam mê. Tuy nhiên, hành vi của họ đã ở mức tham. Còn hành vi của người thanh niên kia khó có thể xếp vào một trong ba mức độ trên. Có lẽ nhu cầu anh ta chỉ ở mức bức xúc. Sự bức xúc, cộng với sự thiếu kiềm chế đã dẫn đến hành vi nóng nảy, quá đáng.
Điều ấy cũng có thể cắt nghĩa được. Như trong trường hợp đường tắc nghẽn, nếu có một người dù điềm tĩnh, chững chạc đứng ra phân luồng cũng khó mà tránh khỏi nổi nóng, nếu muốn điều chỉnh hành vi đám đông hỗn loạn kia.
Lại nhớ, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng vừa kiến nghị đổi giờ đi học, đi làm để tránh giờ cao điểm. Đó cũng là một cách phân luồng trong nhu cầu. Mong rằng, giải pháp này sẽ không khiến cho ai phải... vác điếu ra đường.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất