01/10/2011 14:55 GMT+7
(TT&VH) - Những người bỗng nhiên giàu, dĩ nhiên họ rất mừng, và chúng ta cũng nên mừng cho họ. Nhưng đổi môi trường sống tất yếu cũng dẫn tới những hệ lụy, mà một hệ lụy lớn là đã giàu rồi tất yếu họ còn muốn Sang nữa. Giàu thường đi liền với Sang, điều ấy ai cũng biết rồi.
Giàu rồi thì phải cải thiện bữa ăn. Đạm bạc thì cũng phải đồ Ý, đồ Mễ (Mexico), hoặc kéo nhau đi ăn “buýp-phê” (buffet) khách sạn năm sao, ưu điểm là ăn một tặng một nên phải đi chẵn số người, ưu điểm lớn nữa là không phải gọi món, đỡ lo bị bồi bàn cười thầm chê nói ngọng. Sang trọng thì khăn ăn cỡ tiêu chuẩn 38x38cm đặt trên đùi thẳng thớm với dao dĩa sáng choang mà cao lương mỹ vị. Thế nhưng họ nhanh chóng nhận ra những foie gras, những nấm truffe mang tiếng đắt là vậy nhưng phải cố lắm mới không nhăn nhó khi ăn, tên lại còn khó đọc, mãi chẳng nhớ được. Mà nói thật hàu Úc hộp xốp chuyển thẳng từ Melbourne hay rau chân vịt hai đô một cọng ăn vào có khả năng khỏe như thủy thủ Popeye xét cho cùng cũng là đắt một cách vô lối. Thế là các nouveau riche (tiếng Pháp, tạm hiểu là: tầng lớp “giàu mới”) của chúng ta ra đường thì ăn rõ sang, về nhà thì lén lút ăn nhộng rang ,cà, bát canh cua nhằm ký hiệp ước hòa bình với dạ dày tiêu chuẩn Việt Nam.
Đồ uống thì đương nhiên phải là vang. Nằng nặc đòi bồi bàn nhúng chai rượu vào xô nước đá mát lạnh, họ đã tiến được tới chỗ không lẫn lộn đỏ với trắng và không còn lè lưỡi đòi “đổi chai khác cho đỡ chát”. Nhiều ông, mở miệng là khen rượu tây và nhất định đòi làm hầm rượu trong nhà cho bằng anh bằng em.
Sang đến cái sự đi lại: thì dĩ nhiên phải là xe hơi.
Nhiều anh nhất định phải mua con Porsche Cayenne Turbo để rồi sáng sáng phi xe máy một cây số đến bãi đỗ... Hoặc họ chơi con Audi A8 hai cửa có hẳn tài xế thuê theo tháng.
Đợt vừa rồi báo chí rùm beng lên vụ ông này ông kia bằng tiến sĩ giả, mấy nghìn người thuộc giới nouveau riche lặng lẽ quay úp cái bằng vẫn hãnh diện treo ở phòng làm việc vào tường, nhiều người còn cẩn thận treo hẳn một bức tranh lên trên để xóa tiệt dấu vết, những tranh ấy thường là tranh của Phạm Lực, Lê Thanh Sơn hay Thành Chương, hay tranh chép Van Gogh, đương nhiên “Hoa hướng dương”, những bức họa đem lại niềm rung cảm nghệ thuật sâu sắc cho những người bỗng hiểu ra rằng sơn không chỉ để quét lên tường. Những bữa tiệc chiêu đãi khách khứa, họ cố liên hệ mời bằng được họa sĩ Ngô Lực đến trình diễn.
Một số người nhanh chân còn viết cả sách, cuối mỗi bài họ thường ghi chú rất cẩn thận về địa điểm và bối cảnh ra đời. Quyển sách ấy được để hớ hênh ở văn phòng, khách đến nhìn thấy hỏi thì họ hờ hững: À, anh ABC giám đốc nhà xuất bản XYZ quý lắm, cứ nài nỉ mãi mình để họ in cho. Cậu cầm về đọc, lấy thêm mấy quyển cho mấy anh bên đó nhé; mở ra quyển nào cũng đã đầy đủ chữ ký và con dấu chữ Tàu đỏ chót. Có người còn viết cả sách khảo cứu, những chỗ mà không ngô nghê thì là đi lấy của ai đó, cũng không vì họ định ăn cắp chất xám người khác (thậm chí họ sẵn sàng bỏ tiền nếu có thể).
Họ rất lo lắng cho tương lai con cái, cháu nó không học trường Tây ở đây thì phải đi du học, bên Singapore thì nghiêm chỉnh nhưng hơi buồn; Úc thì phải cái tiếng Anh giọng hơi bẹt nhưng được cái gần nhà hơn Mỹ; Pháp thì thôi, già cỗi quá; Nga thì lại hơi nguy hiểm... Sáng sáng họ ngồi ăn với bạn bàn chuyện con, miệng oang oang bảo giáo dục Việt Nam thật là không ổn, chẳng giáo dục được chúng nó về kỹ năng sống. Cháu còn bé thì nhất định phải đi học lớp cảm thụ âm nhạc của cô Đặng Châu Anh, học xong mấy buổi mất hơn trăm đô, tôi thấy cháu hát theo kênh Bibi chuẩn hơn hẳn.
Họ là các nouveau riche thứ thiệt của chúng ta.
Các nouveau riche này, ngoài tác dụng kích cầu to lớn ra, họ lại còn rất mực sinh động.
Con Sâu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất