20/09/2011 11:01 GMT+7
(TT&VH) - 1. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, trẻ sơ sinh cần được uống sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục trong vòng 24 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, Luật Lao động hiện hành quy định thời gian nghỉ thai sản trong điều kiện bình thường chỉ là 4 tháng. Vậy còn 2 tháng, trẻ sẽ bú mẹ thế nào? Liệu có nơi nào có thể bố trí địa điểm làm việc thuận tiện để lao động nữ có thể cho con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 2 tháng “chênh lệch” ấy, trong khi không thể để mẹ cho con bú ngay tại nơi làm việc được.
2. Tại Hội thảo lấy ý kiến về chính sách nghỉ thai sản cho lao động nữ do Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày hôm qua 19/9 tại Hà Nội, đa số các ý kiến đều cho rằng thời gian nghỉ 4 tháng không còn hợp lý, cần thiết phải tăng lên 6 tháng.
Đó là chìa khóa để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ và quyền mọi trẻ sơ sinh.
Thiết nghĩ, đây là việc cần thiết phải làm ngay, bởi chính sách thai sản hiện nay chưa tính đến việc thực hiện chính sách bình đẳng giới, cụ thể là chưa có quy định thời gian nghỉ thai sản cho người bố. Điều này đồng nghĩa với việc mọi gánh nặng nuôi dạy con cái dồn gấp đôi lên vai người phụ nữ. Hơn nữa, công nhân viên chức lao động sinh con chỉ được nghỉ 4 tháng, trong khi đó hệ thống nhà trẻ chính quy chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Vì vậy, phần lớn người lao động nghèo phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân với mức phí cao nhưng nhiều rủi ro, nhất là khi các cháu còn quá nhỏ. Các bà mẹ cần thêm thời gian để con mình cứng cáp hơn, trước khi quay trở lại với công việc.
3. Thực ra, việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đã được đề xuất từ năm 2006 nhưng vẫn chưa được thực hiện do còn nhiều ý kiến trái chiều. Các ý kiến này cho rằng hoàn cảnh đất nước đang trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và thời gian nghỉ 4 tháng phù hợp so với tương quan các nước trong khu vực. Nhưng có thể khẳng định hiện nay, các ý kiến này không còn phù hợp.
Bộ Y tế cho biết, ở nước ta chỉ có 10% các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ này không mấy được cải thiện, năm 2006 là 16,9%, đến năm 2010 tỷ lệ này chỉ có 19,6%. Kinh nghiệm của các nước đi trước trên thế giới đã khẳng định rằng, khi thời gian nghỉ thai sản được kéo dài sẽ tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.
Vậy thì hãy vì sức khỏe trẻ sơ sinh, cũng là vì sự phát triển giống nòi cần phải tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đối với lao động nữ. Tuy nhiên, muốn thực hiện điều này, cần phải có sự đồng bộ của chính sách, cần có trợ cấp hợp lí cho lao động nữ trong thời gian nghỉ thêm đó, nhất là những công nhân, lao động có thu nhập thấp. Bởi nếu không, dù có tăng thêm thời gian nghỉ lên 6 tháng hay hơn thế nữa người lao động cũng không dám nghỉ, vì họ không có tiền mà sống, mà nuôi con.
Nguyễn Phương Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất