Phải chăng cây có tính người?

10/09/2011 14:42 GMT+7

(TT&VH) - Có hai loại cây nhà và cây rừng khó tính bà chằn.

1. Đó là cây mít và cây dâu da. Trước đây nhà anh tôi có cây mít to. Vào mùa, quả ra chiu chịt từ gốc lên ngọn có đến dăm bảy chục trái. Những năm ấy nông thôn hiếm tiền, quả mít to bằng cái rổ đại, đem bán chẳng mua nổi nửa đấu gạo. Người ta cần cơm no chứ chưa cần hoa quả ăn chơi. Cho nên ăn không hết thì có cho xung quanh trong xóm.

Rồi thời gian sau, anh tôi đi cày về, tiện tay buộc chạc trâu vào gốc mít. Trước đây trâu thường được cho vào chuồng. Anh bảo để trâu nằm gốc mít cho thoáng mát. Có một cành la, anh chặt đi để ngoắc chạc trâu cho tiện. Buổi chiều trâu thả chăn thì cái cành thành chỗ phơi chiếu, quần áo, tã lót. Từ đấy dưới gốc trâu hay cọ mình làm bong tróc từng mảng vỏ, chưa kể nó còn phóng uế nhoe nhoét, khai nồng. Trẻ con mất chỗ chơi. Năm sau cây mít thưa quả dần và ba năm sau thì tịt hẳn. Anh tôi chẳng hiểu tại sao.

Một bữa có khách xa đến chơi, thấy cây mít đại thụ mà không quả. Ông lẳng lặng nhìn gốc cây ông khẽ lắc đầu. Câu chuyện loanh quanh thế nào lại lan sang gốc mít, ông khách nói ngay: Nhìn cái tôi biết ngay sao cây mít tắt quả. Mít là loài cây thiêng, gỗ chỉ được dùng đóng đồ thờ hoặc tạc tượng. Anh buộc trâu để nó phóng uế bừa bãi rồi lại còn phơi đồ bẩn lên, nó không chịu đâu.

Anh tôi chợt hiểu, cho dọn dẹp sạch sẽ gốc cây. Từ đấy không buộc trâu dưới gốc mít nữa. Năm sau mít lại ra quả. Ba bốn năm sau lại chiu chịt từ gốc đến ngọn. Thật không sao hiểu nổi!



2. Hàng xóm sau nhà anh tôi có cây dâu da mọc ngay bên chái nhà. Vùng tôi người dân có thói quen là không nhổ bỏ bất kì loài cây ăn quả nào nếu nó mọc lên quanh nhà quanh vườn. Người ta coi nó là lộc trời cho không được tùy tiện ngắt bỏ đi. Nhưng cũng có lẽ là do vườn tược rộng rãi nữa! Nên các loại cây ăn quả như táo, ổi, na, xoài, chanh, bưởi chen nhau như răng mọc lẫy.

Cây dâu da thì cũng vậy. Nó là giống ở rừng tự mọc lên ở đó từ lúc nào, chủ nhà cũng để mặc. Dâu da cạnh hơi người lên tốt xum xuê. Gần mười năm thôi mà gốc bạnh ra như cổ thụ. Nhưng lạ là cứ tàn hoa là rụng ráo. Năm sáu năm trời như vậy, cuối cùng cây ăn quả trở thành cây che bóng mát. Có người nói hay là giống dâu da điếc.

Không biết ai bảo, vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 giết sâu bọ thì hai đứa con nhà ấy dậy sớm tinh mơ. Thằng em nhẹ người leo tót lên cây biến vào chùm lá rậm. Con chị thì tất tả ra góc chuồng lợn vác cái vồ gỗ to hơn người. Nó rướn mình quai vồ, miệng lầm bẩm: “dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không tao đánh chết!”. Nói rồi nó táng ba nhát vồ vào gốc. Thằng em trên cành cao giả vờ kêu thét: “Con lậy van bà/ bà đừng đánh nữa/ rồi quả sẽ ra”... Xong việc thằng em tuột xuống gốc cười toét. Cả hai đứa kì vọng vào mùa hoa sang năm.

Năm sau vào tháng ba, những chùm hoa buông dải chi chít như dây lộc vừng. Kì diệu thay mùa hoa này kết trái. Những chùm dâu da treo lúc lỉu như đèn lồng. Mùa sau tiếp mùa, năm nào gốc dâu da bên trái nhà hàng xóm đều cho hàng tạ quả...

Lạ thế, mít là giống cây vườn thì khó tính và khái tính đến lạ kì. Dâu da, giống cây rừng thì lại phải thuần hóa mới chịu cho quả. Phải chăng cây cũng có tính người?

Bài và tranh minh họa: ĐỖ ĐỨC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm