Những “nhân tài” dưới điểm trung bình

02/09/2011 10:53 GMT+7

(TT&VH) - 1. Nhân trò chuyện với một ông Tây đã sống lâu năm ở Việt Nam, tôi thăm dò ông về chuyện thí sinh 8 điểm vẫn có cơ hội đỗ đại học có phải là điều bất thường không và có chứng tỏ là đại học Việt Nam đang rẻ rúng quá hay không? Ông ta tỏ ý ngạc nhiên, bảo, không nên đòi hỏi quá cao ở điểm số như vậy, tôi nghĩ 5 điểm trên trung bình là tốt rồi. Tôi há hốc mồm, không thể tin nổi, và khi hiểu ra tôi không nhịn được cười. Ông ta cứ tưởng thí sinh đạt 8 điểm mỗi môn thi, và ý ông là mỗi môn phải trên 5 điểm, và ba môn phải là 15 điểm.


Thí sinh thi ĐH giờ có rất nhiều lựa chọn - Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Tất nhiên, sau khi nghe tôi giải thích, ông ta không thể tưởng tượng nổi tại sao người VN nổi tiếng hiếu học, nhiều người đứng đầu trong các môn/khoa/hoặc trường đại học ở Mỹ mà tại sao ở trong nước lại “phọt phẹt” thế.

Tôi lại đem câu hỏi này hỏi một ông Tây thứ hai, mới đến Việt Nam. Ông ta gật gù, 8 điểm 3 môn không phải là quá khả quan, nhưng nói chung cũng có thể chấp nhận được. Ông tò mò hỏi thế các thủ khoa thường đạt bao nhiêu điểm. Tôi nói nhiều bạn đạt đến 30 điểm 3 môn thi. Ông trợn tròn mắt, tháo kính ra lau, ậm à một chút, rồi mới thú thực: Tôi nhầm, anh ạ, tôi tưởng nước cậu cũng chấm thang điểm 5 như nước tôi. Lần này thì tôi chỉ biết ngậm cười trước ông người Nga này.

2. Từ xưa đến nay, ở bất cứ nước nào, dù thang điểm 5, 10, hay 20, người ta cũng mặc nhiên để con số trung bình là một nửa của điểm cực đại. Điểm trên trung bình là điểm chấp nhận được, hất lên trên là tích cực (khá giỏi), kéo xuống dưới là tiêu cực (yếu, kém, liệt).

Thi đại học, từ chỗ là tuyển dụng nhân tài, đến thời buổi nhà nhà mở đại học, thôi thì để cho đẹp mắt, cũng phải gọi là kỳ thi tuyển chọn người đủ năng lực để học tiếp lên cao. Ấy thế mà điểm sàn trong nhiều năm nay chỉ là 13 điểm, tức là mỗi môn chỉ trên 4 điểm một chút là đã đỗ. Đây là điều thiếu logic. Dưới trung bình thì không thể gọi là đủ năng lực được, càng không thể nói đó là nhân tài, càng xa lạ với mỹ từ “nguyên khí” quốc gia. Đã thế, các trường ngoài công lập lại liên tục năn nỉ Bộ xin hạ điểm sàn, tức là chấp nhận cả những thí sinh kém cỏi, dưới chuẩn trung bình vào Đại học. Năn nỉ không xong, họ còn dùng nhiều chiêu khuyến mại hoặc “vận dụng linh hoạt” Quy chế tuyển sinh để có những thí sinh 8 điểm cũng có thể đỗ đại học, 5 điểm cũng có thể đỗ cao đẳng. Không hiểu một học sinh trung bình chỉ có 2,66 điểm thi thì đại học, cao đẳng nỗi gì?

Ở đây, nếu ta tạm coi đề thi, chấm thi là bình thường, thì tất cả những thí sinh dưới điểm trung bình (yếu, kém, liệt) đều phải bị loại thẳng thừng. Như thế điểm sàn phải từ 15 điểm trở lên (kèm theo quy định không môn nào dưới 5).

3. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu trình độ người học chỉ có thế, mà đại học thì lại đang ế ẩm, cần “mời chào” thí sinh, thì tại sao chúng ta không thay đổi từ cách ra đi đề thi và cách chấm thi? Giảm bớt độ khó của đề, nới rộng cách chấm thi thế nào đó, để vừa với sức học của thí sinh. Kết quả là tất cả những trường hợp đỗ Đại học đều ít nhất đạt điểm trung bình mỗi môn trở lên.

Xem ra cả hai cách đều khó.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm