23/08/2011 15:08 GMT+7
(TT&VH) - 1. Hồi còn đi học, sau cả năm chăm chỉ học tập, nếu đạt thành tích học sinh giỏi, chúng tôi sẽ được tặng tấm giấy khen đóng dấu đỏ chót với chữ ký của hiệu trưởng. Phần thưởng chỉ là đôi ba quyển vở được thầy giáo trao tận tay.
Khi trở thành sinh viên, phấn đấu cả học kì, nếu đủ tiêu chuẩn nhận học bổng cũng được vài chục nghìn mỗi tháng. Nhiều khi cả khoa không có ai đủ tiêu chuẩn nhận học bổng này. Nhà trường là môi trường phi lợi nhuận, những phần thưởng vật chất dù nhỏ bé cũng phải qua sự sàng lọc và quá trình phấn đấu nhất định.
2. Bây giờ, sinh viên chưa nhập học cũng đã được nhà trường “thưởng”.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Sau “chiêu” kêu gọi Bộ GD&ĐT bỏ và hạ điểm sàn không thành, chưa đến thời hạn theo quy định được phép nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, nhiều trường ĐH dân lập tung đủ chiêu khuyến mãi, nào là tặng tiền, tặng laptop... cho thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Càng điểm cao, càng nộp hồ sơ sớm, khuyến mãi càng “khủng”. “Bạo chi” hơn, nhiều trường tư còn “tặng tiền” cho các trường công là các trường THPT, Trung tâm GDTX, thậm chí là Phòng GD&ĐT nếu khuyến khích được nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào các trường này. Lãnh đạo một trường dân lập đã phát biểu trên báo: “Việc này không có gì là cạnh tranh không lành mạnh hay môi giới, “cò” tuyển sinh”.
Tôi chợt liên tưởng đến việc, gần đây người ta lên tiếng liên tục về tình trạng học trò vô lễ, thậm chí bạo lực với chính thầy dạy mình. Theo tôi, một trong những nguyên nhân có liên quan đến... tiền. Cha mẹ họ bỏ tiền để con có một chỗ ngồi học, để mua danh, để làm sang với thiên hạ. Họ qua các kì kiểm tra, lên lớp cũng bằng tiền. Những người như vậy, có tôn trọng môi trường sư phạm? Hay đó chỉ là nơi giết thời gian, để cha mẹ khỏi lo con cái lông bông ngoài xã hội, để rồi “bay”, rồi “lắc”.
Mỗi kỳ thi tuyển sinh, không thiếu những sĩ tử kiểu “cậu ấm cô chiêu” lai kinh ứng thí trên xe bạc tỷ, kẻ đưa người rước. Với người khác, điểm kém là sự đau khổ, ít nhất là nỗi buồn. Còn với họ, việc đó đâu quan trọng, bởi gia đình đã chuẩn bị sẵn một suất du học ở trời Tây - một chỗ học được trả bằng tiền. Tất nhiên, dốt thì ít được Tây khuyến mãi, nếu không phải con đại gia thì khó mà đáp ứng được.
3. Các cụ xưa đã dạy: “Nhân dục thắng, chân lý vong”. Nếu chạy theo tiền bạc dễ làm cho giáo dục trở nên méo mó, danh dự bị tổn thương. Cố nhà giáo Dương Thiệu Tống từng nói: “Ý thức nhiệm vụ tạo cho chức năng sư phạm tính chất bất vụ lợi hoàn toàn”.
Truyền thống muôn đời “Tiên học lễ, hậu học văn”, với môi trường sư phạm, ngoài sự thân thiện còn là sự tôn nghiêm, trang trọng của nơi truyền thụ kiến thức, của những giá trị học vấn. Dù trường công lập hay dân lập cũng phải giữ sự tôn nghiêm này để học trò thành người trước khi thành tài. Thu hút thí sinh là cần thiết, nhưng mang kim tiền ra khuyến mãi liệu có giữ được cái nhìn trân trọng của học trò với giảng đường nơi mình theo học?
Xin các trường đừng làm như thế, ngôi đền giáo dục sẽ mất thiêng!
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất