13/08/2011 10:50 GMT+7
(TT&VH) - Các em học sinh, ngoài những điều hay bị báo chí tố cáo như là thích nhuộm tóc đủ các màu, hay chơi game, chat trên mạng bằng thứ ngôn ngữ sai chính tả không thể hiểu nổi và có một số cách sống không hợp mắt những thế hệ đi trước, lại còn khá là ngây thơ.
Kỳ thi vừa rồi sự ngây thơ ấy đã thể hiện rất rõ khi nhiều em không chịu học môn lịch sử, để rồi phải lĩnh điểm 0.
Lâu lắm rồi trên bàn nhậu của những người hay uống bia hơi mới xuất hiện một đề tài nằm ngoài những xe ô tô, những điện thoại di động và các vụ um xùm của giới showbiz. Đề tài này được mổ xẻ rất kỹ, nhậu lai rai cùng vài câu nói đã trở thành kinh điển đi kèm.
Câu nói cảm động nhất được truyền đạt lại từ một cô giáo dạy sử có thâm niên và nhiều uy tín. Cô giáo cho biết có phụ huynh từng buồn bã mà nói: “Con chỉ đỗ chuyên sử, em xấu hổ với cơ quan”. Thật là đáng buồn, con học giỏi lẽ ra phải mừng thì vị phụ huynh lại rầu lòng, nhưng dù sao như vậy thì cũng vui vì tâm lý trường chuyên lớp chọn coi như cũng đã nhạt nhòa ít nhiều, câu chuyện đó hóa ra kết thúc cũng có hậu, vì sau một thời gian vị phụ huynh đã vui trở lại.
Đến câu nói của một vị quan chức rằng kết quả môn sử như thế trong một kỳ thi có tính phân loại cao là bình thường, thì nhiều người bình luận lắm. Đến lúc một vị khác, cũng hữu trách trong sự việc, nhưng là theo kiểu khác, lên tiếng đề nghị hay là trả lương 3.000 đô để các em thích học sử hơn, thì dân tình băn khoăn lắm. Nhiều người thấy cũng có lý, báo chí lâu nay nhao nhao khẳng định bọn trẻ con bây giờ rất thực dụng, thích ăn chơi hưởng lạc hơn là làm lụng, thì việc lấy lợi ích ra đặt ở mục đích âu cũng là hợp lý. Nhưng nghĩ kỹ thì cũng không được: ngành sử đòi như thế rồi sẽ làm gương, rồi đến ngành địa lý, ngành nhân chủng học, xã hội học, ngành kỹ thuật nông nghiệp cũng đòi 3.000 đô, thì chắc ngân khố không chịu nổi...
Giải pháp có lẽ là phải nhìn vào tâm lý lứa tuổi của các em, chỉ rõ cho các em thấy là học sử có lợi cho tương lai đến thế nào và phải chỉ thật rõ, có ví dụ sinh động trực quan (môn sinh học hay môn vật lý thì dễ rồi, sinh học thì giúp người ta mổ gà khéo hơn, vật lý thì giúp thay bóng đèn mà không bị điện giật). Chẳng hạn như ta có thể bảo các em là học sử mà chăm chỉ thì khi xem phim cổ trang tha hồ cười cô diễn viên mặc rõ đẹp mà đọc sách lại cầm ngang thẻ tre, hoặc cái này cái kia chưa có ở thời nhân vật nọ, thế mà trong phim lại thấy nhân vật ấy làm đúng những thứ đó, thậm chí trong một bộ phim thời Tây Sơn ta còn thấy ở xa xa một cái cột điện. Hiểu sử thì sẽ không bị đạo diễn phim nhựa, phim truyền hình đánh lừa.
Cuối cùng, kinh nghiệm đi thi sử hai lần ở hai kỳ tốt nghiệp các cấp học cho tôi thấy là học sử thì khó, nhưng không phải là không thể. Những môn khác học ba lần thuộc thì sử chỉ cần học đến lần thứ ba mươi.
Con Sâu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất