Vấn nạn còi xe

10/08/2011 11:44 GMT+7



(TT&VH) - Trên mọi cung đường từ thành thị tới nông thôn, từ xuyên suốt một dải quốc lộ 1A tới chạy dọc Tây Nguyên, trên Tây Bắc, dưới đồng bằng châu thổ Cửu Long… đâu đâu cũng nghe nháo nhác các kiểu còi của vô số loại phương tiện giao thông đường bộ. Dường như, văn hóa còi xe không phải là vấn nạn của bất cứ địa phương nào.

1. Tôi đã có một chuyến đi khó quên từ Hà Tĩnh ra Hà Nội trên một chiếc xe chở khách 30 chỗ. Tài xế xe khách Hà Tĩnh thì nổi tiếng “chạy láo” bậc nhất cả nước rồi. Luồn lách như điên, cua, vượt, vợt khách, lơ xe vừa mở cửa lên xuống vừa hú hét... nhưng kinh sợ hơn là chuyện người tài xế không ngừng bóp còi suốt chặng đường khoảng 300km. Một hành khách không chịu nổi đã phải yêu cầu: “Anh đừng bóp còi nữa”, nhưng người tài xế, còn trẻ thôi, thủng thẳng bất cần: “Có giỏi lên đây mà lái”. Xuống khỏi chuyến xe đó, tôi thực sự như trút được khỏi một khối váng vất trong đầu.

Đã có ai thống kê được bao nhiêu người gặp TNGT vì giật mình trước còi xe mà ngã xuống lòng đường? Không hề có con số đó. Người ta lo giảm thiểu số lượng TNGT nói chung, với hàng vạn cái chết mỗi năm, cũng đã quá mệt mỏi rồi. Tôi nhớ, có một CSGT Hà Nội nhận xét rằng, hễ vào mùa hoa xoan là TNGT thường tăng cao, bởi vì thời tiết thời điểm ấy thường khó chịu, khiến tâm lý người điều khiển phương tiện giao thông không ổn định. Tâm lý của người tham gia giao thông là một yếu tố không thể không xét đoán tới - chúng ta hẳn chưa quên cái chết “bất đắc kỳ tử” trên đường của bố đẻ sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa chứ? Đường sá xấu, chật chội, chen chúc, ý thức giao thông kém, lại thêm những cái giật mình vì còi xe nữa thì tai nạn biết bao giờ mới giảm?

Một người bạn của tôi vừa đi Viên Chăn (Lào) về kể, bên ấy đường sá rộng rãi yên tĩnh, văn minh như thế, tự nhiên một lần thấy một chiếc xe vừa chạy vừa bóp còi, mà chẳng vì lý do gì. Bạn tôi nói, “người lái chiếc xe đó chắc chắn là một người Việt Nam”. Mỉa mai thay, bởi cái nhận xét ấy có cơ sở lắm. Cái tật bóp còi phản văn hóa ấy đã ngấm quá sâu vào tầng ý thức của không ít người cầm lái.


2. Tiếng ồn của mật độ dày đặc phương tiện giao thông trên các con đường, cộng với tiếng còi xe đã tạo nên một hậu quả gọi là “ô nhiễm âm thanh”. Đừng sai lầm khi cho rằng, thứ ô nhiễm này không gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng, và cũng đừng đặt câu hỏi rằng, tại sao các công ty kinh doanh kính chống ồn ở Việt Nam lại làm ăn phát đạt. Đã từng có nghiên cứu cho rằng, nếu tiếp xúc với âm thanh cường độ cao trên 75dB trong thời gian dài sẽ gây bệnh điếc không hồi phục, gây mệt mỏi, stress gián tiếp làm tăng các bệnh tim mạch, đường tiêu hóa. Chúng ta hoặc là cơ hội phát triển của nhau, hoặc là nạn nhân của nhau, nhưng vế sau - vế “nạn nhân” - thường đúng hơn vế trước.

Nghị định 34 quy định: Đối với ô tô: Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (mức phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng); Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (phạt tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng). Đối với mô tô và xe gắn máy: Bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (phạt từ 40 đến 60 ngàn đồng); Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu đông dân cư (phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng).

Bạn đọc có thể xem loạt phim cực ngắn về văn hóa giao thông công cộng, trong Chương trình truyền hình Sống đẹp vào lúc 20h hằng ngày trên kênh VTV1.

Có thể thấy rằng, quy định xử phạt này mới chỉ áp dụng trong khung thời gian đại đa số người dân đang nghỉ ngơi và cũng là lúc thưa vắng CSGT, chủ yếu để tạo “khung” ứng xử và kêu gọi ý thức của người tham gia giao thông là chính. Trên thực tế, chẳng có mấy CSGT hiện nay làm việc vào khung giờ này và xử phạt hành vi bóp còi nêu trên. Chỉ có thể trông chờ vào ý thức, vào văn hóa của mỗi người mà thôi.

Trong hệ thống biển báo giao thông đường bộ có biển cấm bóp còi. Biển này được sử dụng để cảnh báo các phương tiện khi đi qua trường học, bệnh viện, cơ quan trọng yếu... những nơi cần yên tĩnh, yêu cầu không được bóp còi. Tiếc thay, ở Hà Nội số lượng biển cấm bóp còi này không nhiều, nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ thấy ở dọc đường Tràng Thi, gần bệnh viện Việt Đức. Sự thiếu hụt hệ thống biển cảnh báo này cũng là một lý do gây nên hậu quả “ô nhiễm âm thanh” chăng?

Có người đã ví von rằng, kinh tế như chân ga, văn hóa như chân phanh. Nó có hàm ý rằng, đừng tăng trưởng bằng mọi giá. Hãy để ý tới chân phanh của mình, để ý tới văn hóa, nếu không chân ga kinh tế sẽ đưa con người đi đâu không rõ. Hãy bổ sung thêm về “văn hóa ngón tay cái”: còi được sinh ra để bấm khi cần cảnh báo nguy hiểm, chứ không phải thứ để bấm loạn xị hoặc bấm... cho vui!

Đan Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm