Ca khúc "thảm họa" ký sinh truyền thông

27/07/2011 14:13 GMT+7

Phê phán các ca khúc kém chất lượng, hàng loạt nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của “ca khúc thảm họa” được đưa ra mổ xẻ. Phần lớn đổ tại sự dễ dãi, lỏng lẻo, chồng chéo của cơ quan quản lý các cấp và… thị hiếu thấp của một bộ phận công chúng. Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng khác - đó là tính “hai lưỡi” của truyền thông lại ít được đề cập. Trên thực tế, chính nhờ sự PR, hoặc vô tình, hoặc cố ý của một số đơn vị truyền thông (chủ yếu là báo mạng), không ít nhạc sĩ kém tài đã trở thành… nổi tiếng.

Chưa học thành nghề… đã mơ nổi tiếng

Nghệ sĩ Quốc Hưng, Phó trưởng khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc VN) nói: “Hổ lốn - đó là từ mà giới làm nghề chúng tôi đánh giá về thực trạng môi trường âm nhạc hiện nay. Tôi đã nghe Da nâu 1, 2, rồi Bó tay 1, 2, Đừng yêu em… gọi thảm họa còn là nhẹ mà phải nói là “mất vệ sinh”.

Khi xem phóng sự của VTV về đề tài “ca khúc thảm họa”, tôi và một số đồng nghiệp ở Học viện đã trao đổi khá sôi nổi. Tựu trung cho rằng, đã đến lúc phải ra tay mạnh để đời sống âm nhạc không còn bị ô nhiễm bởi những ca khúc chất lượng kém; những người kém tài không còn “tung tác” với tư cách là nhạc sĩ, ca sĩ làm ảnh hưởng đến giới nhạc sĩ, ca sĩ làm nghề đích thực”.


Phi Thanh Vân "nổi tiếng" Với Da nâu 1, Da nâu 2

Nói về sự kém tài của một số nhạc sĩ nổi tiếng nhờ sự PR của cơ quan truyền thông, nghệ sĩ Quốc Hưng kể về trường hợp K.V, vốn là học trò của mình. K.V học đến năm thứ 2 hệ trung cấp của Học viện thì bị nhà trường cho thôi học do kết quả học tập kém, nợ quá nhiều môn. Sau đó, K.V tham gia sáng tác nhạc, rồi đi hát và được một số cơ quan truyền thông lăng xê là… đã tốt nghiệp Học viện. Giờ thì K.V đã rất nổi tiếng, kiếm bộn tiền từ những ca khúc mà các thầy cũ của dám nghe”.

Một trường hợp khác, là nhạc sĩ L.T.H. Cô này cũng theo học đến năm thứ 2 ở Học viện thì nghỉ vì thành tích học tập không cao. Thế nhưng sau khi xuất hiện trên chương trình Bài hát Việt và được báo chí lăng xê với những bài “hit” (tất nhiên là hit với một bộ phận ca sĩ trẻ), L.T.H nghiễm nhiên lọt vào danh sách những ca sĩ trẻ tài năng.

Thế nhưng hỏi ca khúc “hit” nào của nhạc sĩ này có sức sống bền vững và giá trị nghệ thuật đích thực thì các thầy của L.T.H… im lặng. Im lặng là bởi L.T.H đã từng được chương trình Bài hát Việt tôn vinh. Mà giám khảo của chương trình này toàn là những nhạc sĩ uy tín.

Trên thực tế có không ít người sáng tác không chuyên nhưng cũng có những ca khúc được mọi người yêu thích, sống mãi với thời gian. Nên việc chương trình Bài hát Việt tôn vinh một người sáng tác nhạc nào đó có bài hát hay cũng là chuyện thường.

Nhưng trong trường hợp không phải là ca khúc có giá trị nghệ thuật thực sự, không đáng được tôn vinh, tôn vinh quá với chất lượng ca khúc và khả năng thực chất của người sáng tác lại khiến người ta ôm cái danh không thực, còn dư luận thì băn khoăn, hoài nghi.

Đồng quan điểm với nghệ sĩ Quốc Hưng ở việc có những người học hành chưa đến đầu đến đũa đã mơ sự nổi tiếng và tìm mọi cách để nổi tiếng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, giảng viên khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy (Học viện Âm nhạc VN) cho rằng: “Cái gốc của những vấn đề bất cập trên sân khấu ca nhạc hiện nay - trang phục hở hang, phong cách biểu diễn phản cảm; hát sai lời, sai nhạc; chất lượng ca khúc tồi tệ… là do hàm lượng chất xám ở một bộ phận nhạc sĩ trẻ, ca sĩ, người biểu diễn quá thấp...


"Đàn em" Phương My tự hào vì được coi là "thảm họa Vpop"

Khi tôi hỏi một số sinh viên âm nhạc về các tác phẩm văn học của thế giới và Việt Nam, họ trả lời: Không biết. Thậm chí còn coi cái sự không biết của mình là đương nhiên, là không cần phải biết. Học được ít kiến thức về sáng tác… đã mơ đến sự nổi tiếng và tìm mọi cách để nổi tiếng mà không hề biết cái gốc văn hóa nền còn rất thấp. Đó là nguyên nhân đẻ ra những ca khúc chất lượng kém ngày càng nhiều trên thị trường”.

Truyền thông - con dao hai lưỡi

Trước khi các “thảm họa Vpop” bị phê phán gay gắt, nhiều người trong số này, giọng kém như: Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như, Tim, Phương My…; những “sao hát nhép”: Quỳnh Nga, Thu Thủy…; “sao hở hang”: Hoàng Thùy Linh, Thủy Tiên… đều được lăng xê với những mức độ khác nhau, trong những nội dung khác nhau trên các báo mạng, các kênh truyền hình giải trí.\

Có người “lên báo” cả chục lần trong một tuần, không phải để nói về giọng hát, về những nỗ lực trau dồi, rèn giũa giọng ca mà chỉ để kể những chuyện nhà đẹp, xài hàng hiệu, có anh người yêu mới, thậm chí là nói về vòng 1, vòng 3… vì ai đó hoài nghi là “tu sửa nhờ dao kéo”.


Lê Kiều Như "ca sĩ"

Lên riết thành nổi tiếng và mặc dù nổi tiếng nhờ những chuyện chẳng liên quan đến khả năng hát, khả năng sáng tác… nhưng cũng đã tác động đến một bộ phận công chúng trẻ, góp phần tăng lượng fan cho những ca sĩ, nhạc sĩ loại này.

Cũng cần phải nói, việc phát hiện và phê phán gay gắt các thảm họa Vpop khởi đầu là từ sự phản ứng, bức xúc của cộng đồng mạng. Cứ đọc các phản hồi trên mạng về những thảm họa Vpop, sẽ thấy chính giới trẻ là những người phê phán gay gắt những ca khúc có ca từ kỳ quái.

Nhưng cũng có một bộ phận khán giả trẻ coi sự kỳ quái, khác người của các ca khúc Vpop là “của độc” và ủng hộ những “thảm họa”. Họ lý sự: chẳng phải các cơ quan truyền thông cũng đã từng tôn vinh những gương mặt “thảm họa” đó sao và họ chỉ là người… đi sau.

Mặt khác, tuy phê phán ồn ã nhưng một số cơ quan truyền thông mạng lại không cương quyết tẩy chay những ca khúc chất lượng kém, thậm chí vẫn tiếp tục giới thiệu các giọng ca kém tài ở những nội dung khác nhau…

Điều này vô tình khiến họ càng nổi tiếng hơn. Thế mới có chuyện một nhóm hát bị chỉ trích mạnh đã thản nhiên tuyên bố: “Càng phê phán thì càng nổi tiếng”. Còn các trang nhạc chuông, nhạc chờ… thì mong chờ có thêm “ca khúc thảm họa” để hốt bạc.

Nghịch lý ở chỗ, nếu nghe hát số đông phản đối các ca khúc chất lượng kém nhưng để cài nhạc chuông… rất nhiều người, chủ yếu là giới trẻ lại thích những giai điệu, những ca từ gây sốc người nghe...

Để làm trong sạch môi trường âm nhạc hiện nay, các tác giả, nghệ sĩ, ca sĩ, cơ quan truyền thông, nhà mạng phải biết hy sinh. Hy sinh ở đây là hy sinh những ham muốn vật chất tầm thường; những danh hão; những khát vọng nổi tiếng nằm ngoài nghệ thuật. Các cơ quan chức năng cũng cần thể hiện thái độ cương quyết hơn đối với những hành vi phi nghệ thuật trên sân khấu ca nhạc, đặc biệt là những ca khúc có chất lượng kém bị dư luận phê phán. (Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc)


Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm