23/07/2011 13:47 GMT+7
(TT&VH) - 1. Xưa rồi cái thời ai ai ở nước mình cũng làm thơ. Số lượng tập thơ in hằng năm thì vẫn nhiều, vượt xa sách khoa học và cả sách bói toán tử vi, nhưng không khí thơ ca nhìn chung đã chùng xuống, chẳng còn ai đủ sức làm một bài thơ mà kêu gọi được cả lứa thanh niên hồ hởi “lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” nữa.
Tình trạng này, theo nhiều nghiên cứu chưa công bố của giới xã hội học, bắt nguồn một phần lớn từ việc đông đảo quần chúng đã tìm được một cách khác để thể hiện nỗi lòng: chụp ảnh.
Thể hiện nỗi lòng bằng cách chụp ảnh
2. Cũng xưa rồi cái thời một cái máy ảnh Zenit hay Praktica quý hiếm lắm, ai cũng mơ ước. Lịch sử văn minh thế giới ghi nhận rằng theo đà phát triển của xã hội, người giàu ngày càng khổ tâm vì chẳng còn biết làm cách nào cho khác biệt với người bình dân nữa. Xưa kia thể thao và đi du lịch được dùng để phân biệt đẳng cấp, giờ thì cuối tuần xuống Đồ Sơn rất dễ loạng quạng gặp gia đình bà bán xôi đầu ngõ. Mấy người giàu thật ở Việt Nam giờ chán ngán vứt gậy từ bỏ những sân golf Chí Linh, Phoenix, nhường chỗ cho các vị mới bán được dăm mảnh đất khu vực ngoại thành cuối tuần hãnh diện vận áo phông có cổ lái xe Lexus mấy chục cây số để “nàm (làm) vài gậy”.
- Nguồn: Internet
Sau thể thao và du lịch thì đến công nghệ. Kỷ nguyên máy ảnh kỹ thuật số giúp nhà quản lý dễ dàng dẹp tan tác đội quân chụp ảnh dạo xưa kia vốn rất khó quản lý. Giờ đây bỗng người ta phát hiện một sự thật tươi sáng: trong mỗi con người đều ẩn náu một nhiếp ảnh gia tiềm tàng. Giống như trước kia người ta mừng rỡ vì đích thị tâm hồn mình vụt trở thành tâm hồn thi nhân trong một đêm trăng rằm.
Đặc điểm của nhiếp ảnh gia tự giác là bạ cái gì cũng chụp, từ mèo nhà mình đến mèo nhà hàng xóm; họ lại rất hay thay máy thay ống kính, cái gì mới nhất là mua về, rồi thì đồ quý như Hasselblad với Leica M6 giờ nhan nhản mới khiếp, cứ như là máy khác ống khác thì tức khắc thay đổi ngay được cái nhìn vậy; và đặc biệt trong tâm hồn họ hình như luôn luôn phảng phất ý nghĩ mình là hậu duệ chân truyền của Henri Cartier-Bresson, họ chê ảnh của nhau và nhất là hay chê ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp: “Tay ấy bố cục kém quá”.
3. Cũng giống thịt chó thì không thể thiếu lá mơ, đã chụp ảnh thì không thể quên đi “phượt”. Chụp và phượt đã trở thành đôi bạn chí thân, phượt để chụp và chụp để ghi lại những khoảnh khắc phượt. Mùa Xuân mà đi quá Hòa Bình lên tới Mộc Châu, cách một quãng lại thấy một nhóm nhiếp ảnh gia lỉnh kỉnh máy với ống chĩa vào gốc cây tảng đá, hòn sỏi lá cây, bông hoa con sâu, đỗ bên đường là xe Triton, xe Fortuner, xe Jeep “cởi truồng”, ai nấy quần áo ký giả nín thở bấm nút. Cảnh tượng có thể nói là đầy chất thơ mộng và lãng tử.
4. Nói chuyện thơ ở trong đề tài nhiếp ảnh là vì hai cái này có liên quan đến nhau. Cái thời thơ còn vượng, có chuyện kể là dân văn nghệ sĩ tụ bạ từ bốn người trở lên phải ra quy định ai muốn đọc thơ (tất nhiên là đọc thơ mình, vì ngâm nga thơ mình đã hết ngày rồi, lấy đâu ra mà đọc thơ người khác) thì phải nộp tiền, năm mươi nghìn một lần đọc. Thế rồi đến tàn cuộc kiểm lại hóa ra ai cũng mất tiền cả, bét cũng mất vài trăm. Có những ông rút “soạt” cả xấp tiền, mặt đỏ lựng chờ đến lượt để đọc nguyên một bản trường ca.
5. Giờ muốn không bị chụp ảnh nhiều khi phải xin, đấy là còn chưa nói đến những “blog stylist” ra đường thấy gì cũng chụp rồi “post” lên mạng, rất nhiều người muốn trở thành The Sartorialist danh tiếng. Xưa có lời khuyên là khi gặp nhà thơ phải ăn mặc cho kín đừng để hở bất kỳ thứ gì để khỏi bị nhà thơ vịnh cái mũi hay vịnh lông mày, giờ gặp nhiếp ảnh gia đại trà càng phải che chắn cho kỹ, vì ít ra thơ còn miêu tả ẩn dụ, chứ ảnh chụp thì trần trụi lắm, chẳng may gặp phải người nào đang tập thực hành macro thì càng khổ nữa.
Rốt cuộc người chụp ảnh khéo nhiều hơn người được chụp. Càng ngày ta càng thấy nhiều hơn những bức ảnh chụp người đang chụp ảnh và không lạ gì cái cảnh dăm chục tay máy chĩa vào một cô người mẫu ăn vận kiểu cổ chít khăn mỏ quạ đứng làm duyên bên bức tường rêu.
Hơn thế nữa, một số nhiếp ảnh gia nghiệp dư lại còn hay viết tản văn để miêu tả cái hay cái đẹp cái tinh hoa trong ảnh của mình. Những áng văn ấy đọc lên thường nghe như thơ.
Con Sâu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất