Cứ hôn nhau đi, nhưng đừng “đen tối”

14/02/2011 10:35 GMT+7

(TT&VH) - Giới trẻ bao năm nay luôn có một câu hỏi lớn không lời đáp: Hôn nhau ở đâu thì được coi là có văn hóa? Hôn nhau ở những nơi như công viên thì bị mọi người đánh giá, lui về những nơi kín đáo hơn như nhà riêng hoặc nhà trọ thì bị coi là không đàng hoàng. Nếu hôn ở nơi sáng sủa một cách đường đường chính chính thì bị cho là “phản văn hóa”, đem phơi bày cho người ta coi. Còn cố tìm một nơi tối hơn để tránh ánh mắt xét nét của mọi người thì lại bị cho là “có âm mưu đen tối”?

Vừa qua, lễ hội hôn nhau lẽ ra đã diễn ra ngày 13/2 ở Hải Phòng nhưng cuối cùng đã “tan thành mây khói” vì Sở VH,TT&DL Hải Phòng ra công văn từ chối cấp phép cho chương trình vì “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, dễ gây phản cảm với khán giả, ảnh hưởng không tốt tới dư luận”. Thông tin này đã khiến những cặp tình nhân đã đăng ký hôn nhau chưng hửng, dư luận thêm một lần được cùng nhau mổ xẻ...

Lễ hội hôn nhau vốn đã quen thuộc với các nước phương Tây và thậm chí không xa lạ cả ở Việt Nam. Đã có một số địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội hôn nhau mà không gây phản cảm với khán giả, không làm ảnh hưởng xấu tới dư luận.

Trong dịp lễ Tình nhân năm 2008, Tỉnh đoàn và Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã tổ chức lễ hội hôn tập thể tại thung lũng Tình yêu. Có 56 cặp đăng ký hôn nhưng chỉ có 10 cặp đủ mạnh dạn bày tỏ tình yêu nơi công cộng. Phần thưởng cho cặp được trao giải nhất chỉ là một món quà tặng tượng trưng: một chai rượu sâm banh.

Tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP HCM cũng trong dịp lễ Tình nhân năm 2009, 500 cặp tình nhân đã tham gia hôn nhau cùng lúc trong chương trình Dạ tiệc tình nhân. Đêm giao thừa năm Canh Dần 2010, trùng với ngày lễ Tình nhân, báo chí rầm rộ đưa tin về một lễ hội mà thường chỉ thấy và diễn ra ở các nước phương Tây được chính quyền Hội An (Quảng Nam) tổ chức cho 1.000 đôi nam nữ: lễ hội hôn nhau. Quảng trường sông Hoài và khu vườn tượng được chứng kiến một Hội An lãng mạn đúng vào thời khắc giao thừa. Và tối 13/2 vừa qua tại cầu Ánh Sao (The Crescent - Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) đã diễn ra chương trình Đêm Valentine thế kỷ. Trong chương trình, 100 cặp đôi đã hôn nhau để 10 nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tình yêu. Sau đó những bức ảnh này đã được chọn để trưng bày tại Nhà văn hóa Thanh niên, trên bức tường Valentine thế kỷ vào ngày hôm nay 14/2. Chẳng hiểu sao Đêm Valentine thế kỷ không bị cấm?!

Có người quan niệm, truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam, việc hôn nhau là điều rất tế nhị, là chuyện riêng tư và phần đông người Việt Nam chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp của việc hôn nhau như thế, nên tổ chức lễ hội hôn nhau sẽ không để lại dư vị gì mà chỉ là một cuộc nhố nhăng, lai căng không cần thiết!

Nhưng hôn nhau là một hành động (về cơ bản) và là một hình ảnh đẹp, một biểu tượng đẹp của tình yêu con người, của những người yêu nhau. Xưa kia phong kiến, các cụ không hôn nhau nơi “công cộng”, trước ánh mắt xét nét của người khác âu cũng là vì tục lệ. Ngày nay, cuộc sống luôn mở ra những hướng đẹp, nhiều vẻ đẹp thì việc việc tổ chức một cuộc thi hôn nhau (người của ai, người ấy hôn) thì là một lễ hội đẹp, mang lại cho chúng ta những hình ảnh đẹp. Nó cũng là những nụ hôn, nhưng chắc chắn trong một lễ hội, những nụ hôn các đôi trao cho nhau hoàn toàn khác với những nụ hôn được thực hiện “độc lập” trong một không gian, thời gian khác có “đính kèm” những hành vi phản văn hóa khác mà chúng ta vẫn thường “chướng mắt” mỗi khi ghé qua một góc bờ hồ, công viên, ngõ tối nào trong thành phố... mỗi khi “đêm sập cửa”.

Văn hóa là một phạm trù rộng, những vẻ đẹp của văn hóa chỉ được bộc lộ, thể hiện khi mỗi con người tự thân biết xử sự như thế nào cho đẹp nhất và văn hóa nhất. Hãy cứ hôn nhau, miễn là, những nụ hôn ấy đừng quá dáo dác, trần tục và gây “kích động” một cách phản cảm với người khác, nhất là với những người yêu văn hóa!

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm