Vẽ ma

15/01/2011 11:50 GMT+7

(TT&VH) - Bố của một cử nhân mỹ thuật tâm sự: “Tôi bảo thằng con tôi rằng, mày hãy vẽ thử người tao xem, lâu nay chỉ thấy mày toàn vẽ ma”.

Nghe vậy tôi hiểu thằng con ông vẽ gì rồi và cũng hiểu trong đầu ông chứa đầy nghi ngờ sáng tác của thằng con. Chưa kịp nói gì thì ông tiếp: “Tôi bảo nó là vẽ thằng người cho đúng còn chẳng ăn ai, lại còn trừu tượng, biểu hiện, siêu thực. Nó giấu cái dốt, đi vẽ ma đấy mà. Ma có ai nhìn thấy bao giờ, vẽ thế nào mà chẳng được, anh thấy tôi nói đúng không? Còn vẽ người, sai cái gì là thấy ngay”.

Lại cũng chẳng cho tôi kịp mở miệng, ông làu bàu tấn công tiếp: “Nói thật ông đừng giận, tôi biết đó là bệnh chung của cánh họa sĩ các ông. Nhiều anh có vẽ nổi cái chân dung đâu, vẽ người này lại ra người kia. Rồi lại bảo là chỉ vẽ tinh thần nhân vật. Úi giời! Vẽ người chưa ra lại còn vẽ tinh thần. Tinh thần kiểu ấy xét cho cùng cũng là thứ ma cả thôi”.

Thực ra ông ấy nói không hẳn đúng mà cũng không sai cả.

Vâng, vì là ma nên dễ hù người, là người thì quen quá, không dễ dọa ai.

Nhưng ma cũng có hai loại, ma thật và ma giả. Dọa người là thứ ma giả, còn ma thật thì sống trong cộng đồng, cần chi dọa ai. Ma thật ở vai thần, thánh, còn ma giả thì lẩn lút ở bụi si, gốc gạo.

Nhưng đã là ma thì đều đáng sợ, vì đơn giản con người chỉ sợ cái không trông thấy. Còn ma nào ai thấy đâu, nên chẳng ai dám nói mình không sợ ma cả. Cái thế giới huyền bí ấy khiến con người kể cả kẻ cướp hoặc các quan chức khi tiếp cận đều phải thắp nhang tay chắp, mong được che chở, không thể liều với cái thế giới mình chưa hiểu. Cho nên không lạ khi đứng trước một bức tranh siêu thực hay trừu tượng thấy nhiều người có tư thế giống như đứng trước bàn thờ, lặng lẽ đăm chiêu, đầu gật gật đầy ngụ ý để ai hiểu thế nào cũng được, ít khi có bình luận trực tiếp.

Từ cái thực, thế giới người ta phá phách sang huyền hoặc cùng với cả mớ lý thuyết để thuyết phục người yêu nghệ thuật tôn thờ. Chúng ta có người đã học theo cái vỏ huyền hoặc ấy. Một nhà phê bình nghệ thuật người Israel phải kêu lên đó là thắng lợi tuyệt vời của giới mafia nghệ thuật khi nó làm cho công chúng, trong đó có cả trí thức tự nghi ngờ chính mình về trình độ hiểu biết nghệ thuật... Thế giới đã không ít người tán tụng ma theo cảm tính và suy đoán, nên ma càng đáng sợ. Ma nhiều khi có đất sống là bởi những thầy phù thủy như vậy.

Trong đời thường, có phù thủy bắt ma. Có tóm được ma không thì không biết, chỉ biết cả ma và thầy cùng dựa vào nhau để sống. Không có ma thì thầy phù thủy còn ai mời. Thời Chiến Quốc bên Tàu có Trương Nghi - Tô Tần học Quỷ cốc tử, rồi khi xuống núi, cả hai đều làm tể tướng cho hai nước kình địch kề nhau. Cả hai chơi trò ma, bí mật hẹn nhau đánh trận giả bên bày bên phá. Trương Nghi bày kế liên hoành thì Tô Tần bày kế hợp tung giả vờ chọi lại nhau, thay nhau thua thắng. Vì thế cả hai đều được trọng dụng. Đến khi Tô Tần bị hạch tội, bị giết thì Trương Nghi than rằng không còn Tô Tần thì Trương Nghi cũng đến lúc mạt vận rồi. Và đúng thế thật. Đó là kết cục của lối sống cộng sinh của hai con ma - người.

Ma trong đời khó bắt là như thế, còn ma trong nghệ thuật có sức sống dai hơn vì nhận ra đâu là ma đã khó thì còn bắt nỗi gì, nhất là thầy phê bình cũng có lúc thành phù thủy còn ăn theo...

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm