Xin đừng làm “sạn bẩn” tiếng Việt

05/01/2011 09:06 GMT+7

(TT&VH) - Các cụ có câu “Cát bất chính bất thực”, hiểu nôm na là cắt (thức ăn) mà không vuông vắn thì không ăn. Như thế không phải là trọng hình thức mà là luôn tự trọng trong mọi hành vi của mình, dù nhỏ nhất.

Là người sử dụng ngôn ngữ (dạng nói và dạng viết) hằng ngày, tôi thường rất khó chịu khi đọc một văn bản (dù chỉ là viết tay, hay viết dặn dò trên mẩu giấy) mà không chuẩn về ngữ pháp. Nhìn một chữ sau dấu chấm mà không viết hoa cứ thấy tức mắt thế nào, chỉ muốn... nhìn đi chỗ khác. Khi tôi phàn nàn về điều này, thì bạn tôi bảo: Ông cầu kỳ bỏ xừ. Viết ngoáy cho xong chứ có phải là viết vào bài thi đâu mà cần phải cầu kỳ.
 
Nhìn chuỗi ký tự này ai cũng tưởng là mật mã, nhưng thực ra đây là tiếng lóng kiểu mới trong ngôn ngữ teen Việt (Nguồn ảnh: Internet)

Nói thế chỉ đúng một phần. Nếu anh thiếu chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn ngữ thì anh sẽ đánh mất phản xạ về sự chuẩn mực đó. Cụ thể, nếu bạn có thói quen “viết ẩu” thì khi cần viết nghiêm túc sẽ không làm được. “Lộng giả thành chân” là như thế. Còn khi bạn đã luôn chuẩn mực, thì bạn sẽ có phản xạ là khi ánh mắt bạn “quét” qua một văn bản bất kỳ, lập tức bạn sẽ phát hiện ngay ra những chỗ lệch chuẩn về chính tả hay mo-rát. Nó như hạt sạn “lồ lộ” ngay ra trên đống “thóc vàng” của ngôn ngữ.

Các cuộc khảo sát về việc sử dụng tiếng Việt trong các văn bản được đưa ra gần đây cho thấy, báo chí là một trong những lĩnh vực “lệch chuẩn” về chính tả nhiều nhất. Nhưng đáng ngại hơn là xu hướng “lệch chuẩn” về ngữ nghĩa, nó như “miếng thịt thái không vuông vắn” vậy.

Không hiểu từ bao giờ, những cái từ mang tính “vỉa hè” như “lộ hàng”, “khoe hàng”, “hàng khủng” “tự sướng”... lại có thể nằm chình ình trên tít của nhiều tờ báo, trang thông tin điện tử. Các cô người mẫu, người đẹp vô tình hay cố ý để hở hang cơ thể là điều không hay ho gì, có thể phê bình hoặc phê phán, nhưng rõ ràng không thể gọi các bộ phận “lộ” ra của các cô ấy là “hàng” (theo nghĩa là hàng hóa bán mua). Nếu nghiêm túc nhìn lại cái từ đó, thì việc nói “Chân dài 12 tuổi lộ hàng”, còn “phạm” đến các quy định về bảo vệ tuổi vị thành niên. Vì ở đây làm gì có “hàng” với “họ” mà nói cô bé ấy bị “lộ”?

Lại nói đến từ “chân dài”. Tôi nhớ có một người mẫu nào đó đã than phiền vì cái từ “chân dài” – một từ chỉ giới người mẫu, người đẹp gần như đã thành “chính danh” trong dư luận. Cô cho rằng cái từ đó thể hiện sự thiếu tôn trọng. Tôi thấy ý kiến của cô rất có lý, vì nói về một con người sao lại chỉ gọi tên có mỗi cái chân? Chẳng nhẽ giá trị của họ chỉ ở chỗ có cái chân dài? Còn gương mặt? Cách thức biểu diễn? Vẻ đẹp hình thể nói chung, không giá trị gì hay sao?

Nếu như “lộ hàng”, “hàng khủng” là một cách nói quen mồm thành chai sạn, thì từ “tự sướng”, vốn là một từ bóng bẩy chỉ hành vi mà nói ra vốn rất ngượng mồm. Nhưng chả hiểu sao cái từ này lại có vẻ bùng phát trong vài năm trở lại đây, bị lạm dụng đến mức người ta không còn... ngượng nữa. Các hoa hậu của các nước tự chụp ảnh cũng bị gọi là... các hoa hậu “tự sướng”. Kinh hoàng nhất là cái tít “Lê Minh Sơn: Tự sướng là... sướng nhất” mới xuất hiện trên internet gần đây. Hiểu theo nghĩa đen thì người ta tưởng là ghi lại lời tự thú ở một phòng tư vấn tâm lý sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chả hiểu cái từ bóng bẩy giật gân này là do nhân vật nói hay người ta thêm thắt vào.

Lời khuyên không cũ cho bất kì ai, viết gì, sáng tạo gì cũng xin đừng làm sạn bẩn tiếng Việt.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm