Công bằng với nhà Mạc - nên cập nhật vào SGK

23/09/2010 09:52 GMT+7

(TT&VH) - Việc giới nghiên cứu nhìn nhận công bằng, khách quan hơn về vai trò vị trí của nhà Mạc (1527- 1677) đã diễn ra nhiều năm. Nhưng theo một số chuyên gia tại Hội thảo Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, nhiều SGK cho học sinh phổ thông vẫn giữ những cái nhìn khắt khe về triều đại phong kiến này.

Những ý kiến đưa ra cho biết: trong giáo trình dành cho sinh viên Đại học (điển hình là cuốn Giáo trình Lịch sử Việt Nam, Từ đầu thế kỷ XVI đến năm 1858, NXB Đại học Sư phạm, 2008), các nhóm tác giả đã có cái nhìn khá cởi mở và tích cực về vai trò lịch sử của nhà Mạc, cũng như những tiến bộ của triều đại này trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội... Tuy nhiên, việc biên soạn chương trình SGK và giảng dạy về nhà Mạc ở cấp phổ thông lại tồn tại khá nhiều điểm mâu thuẫn với cách nhìn này.

Thống kê đưa ra cho thấy ở cấp trung học cơ sở, sự ra đời của nhà Mạc được nhắc tới vẻn vẹn với... 3 dòng trong SGK lớp 7. Phần bài giảng về giai đoạn lịch sử này (thế kỷ 16 - 17) chủ yếu nói về những hậu quả nặng nề của 2 cuộc chiến tranh Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn tới lịch sử Việt Nam. Phần nói về thành quả kinh tế - văn hóa từ trong giai đoạn này cũng chủ yếu chỉ nhắc tới các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn và “bỏ quên” nhà Mạc. Trong khi đó, ở cấp trung học phổ thông, từ năm học 2006 - 2007, lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ 16, 17 mới được đưa vào giáo trình. Tuy nhiên, phần nội dung về nhà Mạc cũng rất sơ sài và không được bố trí thành một bài học chuyên biệt nào.

Trong phần kiểm tra kiến thức, SGK Lịch sử lớp 10 có đưa ra câu hỏi: “Những hạn chế chủ yếu của triều Mạc là gì?”. Như vậy, các tác giả vẫn muốn học sinh ghi nhớ định kiến rằng triều Mạc chỉ là tiêu cực hạn chế? Ông Phan Đăng Thuận, giảng viên ĐH Sư phạm Vinh đưa ra câu hỏi trên tại hội thảo. Đồng quan điểm với ông Thuận, trong tham luận “Biên soạn và giảng dạy về nhà Mạc - Những vấn đề đặt ra”, thạc sĩ Nguyễn Thị Bình Minh cũng chỉ rõ: SGK Lịch sử lớp 7 viết: “Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc”. Trong khi đó, khi nói về sự thành lập nhà Hồ, giáo trình này lại được viết thành: “Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần và lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Ngu - nhà Hồ được thành lập”...

“Rõ ràng, cùng một hiện tượng của nhà Hồ, nhà Mạc mà sử cũ chép là “cướp ngôi”, nhưng trong SGK Lịch sử lớp 7 lại trình bày về sự thành lập hai triều đại này với hai cách khác nhau như vậy là thiếu khách quan” - bà Minh nhận xét.

Trên thực tế, sự chuyển đổi cách nhìn nhận vương triều nhà Mạc từ vị trí “ngụy triều” phi chính thống sang vai trò của một triều đại bình đẳng với các triều đại khác mới chỉ phát triển mạnh tại VN từ những năm 1980. Cái mốc đầu tiên của sự thay đổi này là những ý kiến tích cực về nhà Mạc trong cuộc hội thảo về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - tại Hải Phòng năm 1985. Tiếp đó, sau 10 năm triển khai nghiên cứu về nhà Mạc, vào năm 2004, Viện Sử học đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về triều đại này ngay tại Kiến Thụy (Hải Phòng), quê hương nhà Mạc và tiếp đó là cuộc hội thảo thứ hai tại Hà Nội vào ngày 21/9/2010 vừa qua.

Như vậy, việc các giáo trình giảng dạy chậm “cập nhật” cách nhìn mới về nhà Mạc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng phải chăng, đã đến lúc yêu cầu này cần được thực hiện, để quan điểm khách quan hơn về triều đại này có thể được giảng dạy xuyên suốt các cấp học từ phổ thông trở đi, chứ không chỉ dừng ở giáo trình đại học và trong giới nghiên cứu như hiện nay?

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm