Một nét văn hóa tàn lụi?

17/09/2010 06:56 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi các nhà khoa học và nhất là giới sư phạm còn chưa ngã ngũ thì nhiều trường phổ thông trên thế giới đã bỏ chấm điểm viết chữ đẹp, vì dù muốn hay không thì cũng khó phủ nhận được thực tế là bàn phím máy tính hay điện thoại di động ngày càng chiếm thế thượng phong. Vậy là một nét văn hóa sẽ vĩnh viễn tàn lụi theo sau sự thịnh vượng của Internet?

Cuộc đời đổi thay

“Tres digiti scribunt et totum corpus laborat“ - “Ba ngón tay viết nhưng cả cơ thể làm việc“, các tu sĩ Trung Cổ đã biết kêu ca ở cái thời chưa có máy photocopy hay máy in nên suốt ngày phải gù lưng ngồi sao chép sách vở cho thư viện dưới ánh nến. Mắt mờ, tay mỏi, lưng đau, gáy nhức. Song nếu ai không rõ nguồn gốc tiếng Latin thì ắt sẽ tưởng đó là câu than phiền của lũ học sinh vào lớp 1 hôm nay lần đầu tiên phải học cầm bút. Ngay cả khi chúng không nhất thiết bị mờ mắt mỏi gáy thì các thầy cô đã nhận ra rằng trẻ con hôm nay bấm tin nhắn SMS nhanh hơn viết chữ. Thời buổi bây giờ, ai cần ghi chép gì dọc đường thì rút máy Blackberry. Sếp lười ký thì thư ký đã có dấu khắc sẵn hoặc chữ ký điện tử trong computer. Có cần chúc nhau sinh nhật thì chỉ cần tìm bưu thiếp điện tử (e-card) có sẵn trên mạng rồi điền tên tuổi vào. Thậm chí nhiều gia đình không có cả hộp thư, vì từ mấy câu chào ở nơi nghỉ mát đến thư tình hôm nay đều ở dạng e-mail...


Ở các nước Tây Âu, pháp luật chỉ còn bắt viết
bằng tay một thứ văn bản duy nhất là... di chúc
Ngày nay trẻ con học viết khác với cách đây chỉ vài năm, căn bản vì công năng và vị thế của chữ viết tay đã thay đổi hẳn. Liệu chiều hướng đó tốt hay xấu, có nhiều ý kiến trái chiều và xin nhường cho các nhà sư phạm luôn thích tranh luận. Nhưng xu hướng tương tự như từ đĩa hát bằng bột than ép, lên đĩa vinyl, rồi dần bị thay thế bằng CD, DVD hay đĩa blue-ray thì chắc không sao cản nổi. Vẫn sự việc ấy, nhưng người thì than khóc cho một nét văn hóa tàn lụi, kẻ khác cho rằng chữ viết chỉ là một công cụ ước lệ để truyền tin và phải thay đổi theo thói quen do kỹ thuật mới đem lại. Chỉ cần ngó lại vài năm thì đủ thấy bàn phím ngày càng thông dụng hơn. Trong cuộc sống công việc, không còn ai viết công văn chỉ thị hay bản thảo bằng tay nữa.

Ai còn cầm bút?

Quả thật, nếu như các bậc lớn tuổi còn quen nhận ra bạn bè qua nét chữ thì giới trẻ hôm nay hầu như đã mất thói quen đó. Ở các nước Tây Âu, pháp luật chỉ còn bắt viết bằng tay một thứ văn bản duy nhất là... di chúc, nếu người viết lười ra công chứng. Thậm chí sinh viên cũng đem cả laptop lên giảng đường, vì trong khi giáo sư giảng bài thì một trợ giảng đưa ngay bài thuyết trình tốc ký lên mạng, chỉ việc tải xuống dùng. Trước đây, ai trả tiền bằng thẻ tín dụng thì phải ký hóa đơn, hôm nay bấm số PIN vào máy thu ngân là đủ.

Ở trường phổ thông Comenius thuộc bang Hessen (Đức) một giáo viên hỏi lên Bộ Văn hóa là điểm chữ đẹp bị bỏ khỏi chương trình từ bao giờ, và câu trả lời không làm mấy ai ngạc nhiên: ở một đất nước nổi tiếng khắt khe về lề luật như Đức mà các công chức Bộ Văn hóa không thể tìm ra chỉ thị bỏ chấm điểm chữ đẹp từng được ban ra ở thời điểm nào, vì đã lâu quá rồi! Câu hỏi tương tự gửi đến bang Nordrhein-Westfalen và được trả lời ngắn gọn: hình như hồi những năm 1980!

Lena Queen, một nhà nghiên cứu chữ viết nổi tiếng, nhận định: con người đã ngấy chủ nghĩa tập thể và muốn tìm ra sự riêng tư, song chính bàn phím lại gây ra sự “đụng hàng” khủng khiếp nhất vì nó hủy diệt một nét cá tính nổi bật mà con người muốn vươn tới. Mấy ai còn nhớ ngày xưa trong lĩnh vực điều tra hình sự còn có nghề xem chữ luận ra tính cách, một trong những nghề bị sự phát triển của kỹ nghệ computer xóa sổ.

Con người ngày càng lười đi?

Một cuộc khảo cứu ở Anh cho thấy kết quả mà ai cũng biết, tuy không biết chính xác con số cụ thể, đó là thế hệ trẻ càng ngày càng sử dụng nhiều phương tiện internet. Trong khi mới khoảng 61% lớp người trên 65 tuổi ở Anh biết dùng phương tiện mạng thì 95% thế hệ từ 15 đến 24 tuổi mất hẳn thói quen dùng giấy mực. Ai cũng than phiền là trao đổi thư từ kiểu viết tay truyền thống quá chậm chạp và phiền phức, thậm chí giới khoa học còn dự đoán là khả năng điều khiển vận động của tủy sống con người đã giảm thiểu trong những năm qua; con người không chỉ viết kém đi, mà còn kém nhận dạng chữ viết hơn trước. Hậu quả này kéo theo hậu quả khác: ai lười viết và thấy chữ mình xấu đi, người ấy cũng không còn muốn bắt người khác đọc chữ mình. Chưa đủ, ngay cả trong giới viết bằng bàn phím cũng có sự chuyển biến lớn: trong khi e-mail chiếm nửa số lượng giao dịch thư từ nói chung thì thanh thiếu niên lại dần bỏ viết e-mail để chuyển sang nhắn tin SMS hay chat, nói cách khác là hoạt động truyền thông ngày càng bị rút ngắn và nén gọn hơn. Phải chăng con người sống ngày càng gấp gáp và không đầu tư thì giờ vào những bức thư dây cà dây muống như xưa? Lena Queen cũng dự đoán rằng ở thời đại sống gấp này, con người trở nên thiếu kiên nhẫn. SMS hay chat biểu thị mong đợi được nhận câu trả lời thật nhanh, và thứ câu cú cộc lốc ấy ngày càng làm cho ngôn ngữ viết giống với ngôn ngữ nói hơn – một sự bần cùng hóa văn viết.

Và cô đơn hơn?

Vẫn chưa hết: sự xuất hiện của điện thoại rẻ tiền qua mạng (skype, Y!Voice) hay Voice-chat trên các cổng Facebook hay Yahoo! đang có nguy cơ đẩy lùi e-mail, hệt như mới đây e-mail bóp chết thư từ viết tay và các trạm bưu điện kinh điển. Trong nửa năm đầu 2009, bưu điện Đức chuyển 150 triệu thư, ít hơn cùng kỳ năm trước, xét về trung hạn thì sẽ có ít nhất 6.000 bưu tá mất việc.

Song điều để các nhà xã hội học quan tâm không phải chỉ có tình hình lao đao của ngành bưu chính, mà các phương tiện truyền thông mới rõ ràng đã gây ra một số tác hại nhãn tiền. Con người thu mình vào một cõi cô đơn trên mạng, vì mọi quan hệ online đều chỉ là ảo, kể cả hình ảnh lẫn tiếng nói qua webcam cũng chẳng thể thay thế cho một cuộc đàm đạo tay đôi bên ấm trà, lời tỏ tình qua SMS chỉ là cái vỏ suông không hồn, và mọi “user” bị cào bằng thành các thực thể có nickname, mờ nhạt về vị thế xã hội và thậm chí cả giới tính. Giao lưu qua mạng có một chất lượng khác hẳn với tiếp xúc bằng xương bằng thịt. IQ ngày càng lấn lướt EQ. Tựa như câu chuyện phù thủy và âm binh - không ai muốn hoặc có thể quay lại với bút giấy để xóa sổ e-mail, và cũng chẳng ai muốn trở về với thời hồng hoang không có internet, song liệu con người có biết cách trấn áp được mặt trái của thời đại kỹ trị do chính mình tạo ra?

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm