Không có gì mới dưới ánh mặt trời!

20/05/2010 07:00 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Từ những câu chuyện về nạn "đạo", "cóp", về ăn cắp hay kế thừa, Diễn đàn văn hóa TT&VH Cuối tuần xin tiếp tục bàn rộng hơn, về tính sáng tạo. Sáng tạo là gì? Và làm thế nào để sáng tạo có văn hóa?

>> Diễn đàn: Nạn "Đạo" và "Cóp"

1.
Với một dân tộc, sáng tạo là chuyện sống còn. Nếu sự sáng tạo các giá trị văn minh như các phát minh kĩ thuật có khả năng ứng dụng toàn cầu thì các giá trị văn hóa chỉ sống động nếu nó bảo lưu tính cộng đồng ở những thời điểm, nơi chốn cụ thể, bảo lưu tính “địa phương”. Người Mông Cổ hẳn không nổi lên với sức mạnh kĩ thuật nhưng lại là một dân tộc như không thể bị hủy diệt. Người Việt, thậm chí, biến hóa để thích ứng, như được đúc kết trong dân gian: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, để sống còn sau ngàn năm phương Bắc tham vọng đồng hóa, phương Tây đô hộ…. Dù vậy, qua nhiều thăng trầm, không ai biết thực sự “bản sắc văn hóa Việt Nam” hiện nay nằm ở đâu, đã có những biến thiên nào, cái gì đã thất truyền, cái gì còn giữ được sự độc lập? Nỗ lực chứng minh chữ viết cổ, chứng minh lịch sử Việt, nỗ lực tìm kiếm nền văn hóa bản địa, truy tìm về gốc… là một nỗ lực tìm lại, hay sáng tạo lịch sử cộng đồng, phải chăng cũng là một cách thức giải mặc cảm “mất gốc”, mặc cảm “nô lệ”, mặc cảm không bản sắc? Ở đây, sáng tạo là tìm kiếm sự thật.



Nhật Bản tiểu biểu hơn cả trong việc bảo lưu giá trị tinh thần của Phương Đông
Không phải quốc gia nào cũng có được sức mạnh thần kì Nhật Bản: vừa giàu có, hiện đại, vừa không trộn lẫn về văn hóa. Có lẽ, Nhật Bản tiêu biểu hơn cả trong việc bảo lưu giá trị tinh thần của Phương Đông, điều mà một quốc gia khổng lồ như Trung Quốc không thể làm được với sự trương nở của đời sống tiêu thụ. Làn sóng văn chương nữ Trung Quốc tràn sang Việt Nam vài năm qua có thể đem lại cảm giác về một Trung Quốc bừa bộn, ào ạt như trong một cỗ máy nghiền khổng lồ mà thiếu một vẻ đẹp văn hóa như nội lực - đó là sức mạnh tràn vùng hơn là sức mạnh của giá trị.

Có thể nghĩ đến câu hỏi này: sự giàu có về vật chất có thể tạo dựng các giá trị văn hóa mới? Người Mỹ có thể không cần niềm tự hào về lịch sử mấy ngàn năm, nhưng lại kiêu hãnh trong một quốc gia quyền lực, bao gồm cả quyền lực văn hóa (mới), được tạo bởi công nghệ và sự giàu có: phim ảnh Hollywood là một ví dụ. Họ có văn hóa của “cộng đồng hỗn hợp”. Dẫu vậy, chính người Mỹ cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn văn hóa của những cộng đồng thiểu số, người Caribean, người Mỹ Latin…., khi đó văn hóa như một vũ khí sinh tồn.

Ở Việt Nam, điều nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là cả khoa học kĩ thuật và nghệ thuật đều thiếu tính tầm vóc, thiếu cái lớn, cái đồ sộ, do chúng ta thiên về sáng tạo cái nhỏ bé, cái thiết thực. Cho nên, Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô là một giấc mộng bi kịch đầy dằn vặt. Cũng với tính thực tiễn này, (thường được lý giải là do chiến tranh, nghèo đói, như đứa con sớm phải lăn lộn với đời sống để kiếm ăn) người Việt ít sáng tạo ra những gì “kì quái”, truyền thống siêu hình không đậm nét trong tư duy Việt, dù siêu hình là một cách thức tư duy phương Đông.

Vấn đề không phải người Việt không có tính sáng tạo, chỉ có sáng tạo theo cách thức nào, mức độ nào.

2. Cái mặc cảm của một dân tộc phải chống đỡ nhiều khiến hình như người Việt nhìn các di sản tinh thần bao giờ cũng thấy dấu vết ngoại lai. Ở đây tôi muốn nói đến việc “học theo Trung Hoa” rồi “học theo Phương Tây”, “học theo Mỹ”, v.v về mặt văn hóa, cụ thể hơn trong nghệ thuật. Nó là sáng tạo hay bắt chước?

Thành tố văn hóa bản địa bao giờ cũng được bắt rễ rất sâu và khó triệt tận gốc. Nhưng trong quá trình sống, con người phải “bắt chước”, trong sự “bắt chước”, con người buộc phải sáng tạo để thích ứng, như một cái cây được bứng trồng phải thích ứng với một mảnh đất khác. Mối quan hệ người trước – kẻ sau, nếu là “ảnh hưởng” để kích thích, nó là sáng tạo. Nó sẽ là hủy sáng tạo nếu là sự bắt chước kiểu rập khuôn, vì tự nó sẽ chết. Nhà thơ Lê Đạt sinh thời thường nhắc một câu của A.Gide: “Ảnh hưởng không sinh ra, ảnh hưởng chỉ đánh thức”. Sự sáng tạo trong nghệ thuật ít khi là đột phá và phần nhiều là cái được đánh thức. Thành tựu thơ và văn xuôi hiện đại ở Việt Nam đầu thế kỉ có công của “thực dân”. Ở đây, ảnh hưởng đã tạo ra thành tựu. Sáng tạo đồng nghĩa với việc “được gợi hứng”. Khi bàn về thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân không coi việc Xuân Diệu học thơ Pháp là bắt chước, nhưng lại gọi là “mầm chết” thói bắt chước của vô số nhà thơ học theo các thi sĩ bàn nhất, bàn nhì ở xứ ta, tạo ra vô số thứ thơ tầm thường.

Trong mỹ thuật, Việt Nam không có các danh họa được lưu truyền lại. Các cụ ta đã chơi tranh như thế nào? Mỹ thuật trang trí, ứng dụng trên gốm sứ thì có, nhưng loại tranh “vẽ để treo chơi” thì vắng vẻ. Không kể tranh tàu, tranh dân gian như Hàng Trống, Đông Hồ… thì không phải là sáng tạo “cá nhân”. Lòng yêu cái đẹp của người Việt bị xếp sau lòng yêu cái tốt. (Cái nết đánh chết cái đẹp, Tốt gỗ hơn tốt nước sơn). Do đó, trong mỹ thuật hiện đại, người Việt đã thừa hưởng thành quả của phương Tây như một cái ơn về mặt văn hóa.

Ngôn ngữ như một gương mặt của văn hóa mà chúng ta đang dùng không phải là phát minh của người Việt, nhưng là sáng tạo của người Việt và Tiếng Việt phải là một giá trị văn hóa của người Việt. Nếu có một thứ chữ viết cũ, khi không còn dấu vết trong thời hiện tại, thì nó còn là một giá trị văn hóa đáng kể với thời hiện đại hay chỉ là một huyền thoại gây chút tò mò cho khách du lịch?

Học và biến đổi là một sự sáng tạo. Khi học chưa đủ, tại sao lại sợ học, lại quy kết lai căng, bắt chước? Có ai kết tội Vangoh hay P.Klee trong việc học tập các motif, các mẫu thức hội họa Nhật Bản?

3. Nhưng có phải trong thời đại bão hòa thông tin và toàn cầu hóa, người làm nghệ thuật sáng tạo khó hơn, hay cùng với sự bào mòn của năm tháng, phẩm tính sáng tạo của người Việt cũng mòn mỏi đi? Những nhà tiên phong trong nghệ thuật hiện đại mơ mộng về sự độc sáng, tin vào tính duy nhất, sự tiến bộ của nghệ thuật. Còn các nhà Dada lại sẵn sàng phá hủy tất cả. Phá hủy đã không chỉ là điều kiện của sáng tạo mà còn chính là sáng tạo. Sáng tạo, theo thời gian, cũng là sự thay thế các mẫu thức được ưa chuộng, nó mang thời tính.

Gần đây ở Việt Nam, công chúng có lúc cảm tưởng (tất nhiên chỉ là cảm tưởng) tất cả các họa sĩ, nhất là người trẻ tuổi, không vẽ nữa. Họ trở thành “nghệ sĩ thị giác”, người “làm nghệ thuật đương đại”. Installation. Perfomance art. Nghệ thuật đa phương tiện.v.v. Ban đầu có thể là tự thân nhu cầu của một số nghệ sĩ tài năng, rồi lan rộng ra, rồi có lẽ nó đã lẫn lộn cùng vô số các loại hàng tạp. Bản thân sự lưu thông các khái niệm mới trước hết chỉ là sự cập nhật các hình thức nghệ thuật (mới), nếu không được truy nguyên, không gắn với một cảm thức thì khó thành sáng tạo nghệ thuật. Người làm nghệ thuật không thể bấu víu vào cái áo khoác ngoài của nó để biện hộ cho mình. Bởi, nếu chỉ đơn giản lấy Việt Nam như một minh họa cho các hình thức, các khái niệm đã có hay mới du nhập, thì sự sáng tạo này không khác gì việc làm các con thú nhồi bông.

Phẩm tính sáng tạo sẽ nằm trong chính tác phẩm được công bố, và tất yếu, nó được chọn lọc bởi người thưởng thức. Lấy một ví dụ gần đây, ngay cả khi người làm nghệ thuật đưa ra những ý tưởng có vẻ rất “địa phương”, như suy tư về chiến tranh trong triển lãm Bom của Phạm Văn Trường, suy tư về không gian sống đương đại trong trình diễn, sắp đặt của Phương Vũ Mạnh…. Là một người xem bình thường, tôi cảm thấy nó còn “thiếu một cái gì đó”, để lay động, khơi gợi. Cũng vậy, hậu hiện đại là một khái niệm công cụ để gọi tên sự sáng tạo, nhưng nó không phải chiếc nhãn đảm bảo chất lượng ISO. Rút cục lại, nghệ thuật, như một giá trị văn hóa là không thể nhái, nếu nó không muốn trở thành cái bừa bộn vô ích, cái thêm vào hàng loạt. Điều này hoàn toàn khác với ý thức bắt chước như một thủ pháp, một phong cách, một ý tưởng sản sinh nghệ thuật, như cách Duchamp làm với bức tranh Mona Lisa, như sự phỏng nhại, cắt dán của văn chương hậu hiện đại. Khi sự “bắt chước”là một cách sáng tạo, chúng được thừa nhận tồn tại song song như những tác phẩm biệt lập.

Người Việt có thể không nổi bật về cường độ, trường độ sáng tạo hay độ “điên rồ” sáng tạo. Nhưng nhìn vào “khả năng bắt chước” được minh họa bằng nhiều ví dụ từ phim ảnh văn chương, điều tôi hình dung ra là sự vui vẻ chung sống trong một môi trường thiếu chất sáng tạo. Người nghệ sĩ hời hợt có thể trở thành một thứ nô lệ của chính họ, hay nô lệ của một gu thưởng thức nào đó.

4. “Không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Người ta đã trích dẫn nhiều lần ví dụ nổi tiếng của Umberto Eco: “Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng như thái độ của một người đàn ông yêu một người đàn bà có học thức rất cao, và chàng biết rằng chàng không thể nói với nàng: “Anh yêu em điên dại”, bởi vì chàng thừa hiểu rằng nàng biết (và nàng cũng biết rằng chàng biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một giải pháp khác. Chàng có thể nói: “Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em điên dại.” Người nghệ sĩ cũng nên ứng xử với công chúng một cách trung thực như vậy chăng?
Nhã Thuyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm