Domenech phải giải trình trước Quốc hội: “Chết” chưa hết tội

30/06/2010 11:28 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- HLV Raymond Domenech đã hết hợp đồng, còn Chủ tịch Jean-Pierre Escalettes đã từ chức, nhưng hôm nay, cả 2 vẫn sẽ phải giải trình trước Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội về thất bại của tuyển Pháp ở World Cup 2010.

Song, các thiết chế quyền lực của Pháp vẫn sẽ phải rất thận trọng nếu muốn quy rõ trách nhiệm về thất bại này cho bất kỳ ai, để không khiến FIFA nổi giận.

Ngoài Domenech và Escalettes, Ủy ban văn hóa và giáo dục cũng sẽ lắng nghe Bộ trưởng y tế và thể thao Roselyne Bachelot giải trình ngay sau đó. Nội dung chính của các phiên chất vấn có thể là làm rõ những chi tiết chưa được biết đến của vụ Anelka “chửi” Domenech, cũng như vụ nổi loạn của các cầu thủ ở Nam Phi.

Domenech và Escalettes là 2 nhân vật phải chịu trách nhiệm chính cho sự tụt dốc không phanh của tuyển Pháp trong 6 năm qua, và dù đã tự động rút lui vào hậu trường một cách khá êm thấm, cả 2 vẫn sẽ phải cho tất cả rõ rằng đội Pháp đã trở thành một mớ hỗn độn dưới sự điều hành của họ như thế nào. Thực tế, việc Domenech rời ghế tuyển Pháp như một người hoàn thành nhiệm vụ (hết hợp đồng), trong khi việc Escalettes từ chức được ông ta “nâng” lên thành một hành vị biểu thị tinh thần dám chịu trách nhiệm, có lẽ không phản ánh được bản chất của hậu quả mà họ nên phải gánh chịu khi khiến tuyển Pháp “tan hoang” thế này.

Cả Escalettes và Domenech sẽ phải giải trình trước Quốc hội- Ảnh Getty
Cuộc chiến với FIFA

Những diễn biến của phiên giải trình này sẽ được FIFA “soi” khá kỹ lưỡng: Cách đây 2 ngày, Tổng thư ký FIFA Jarome Vackle đã khuyến cáo Chính phủ và Quốc hội Pháp không nên can thiệp quá sâu vào nội bộ của LĐBĐ Pháp (FFF). Trang chủ FIFA cũng đã đưa ra một lời cảnh báo nhẹ nhàng: “Có thể ở Pháp, đây là vấn đề mang tính thể diện Quốc gia, thế nhưng bóng đá vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát của FFF. Nếu hoạt động nội bộ của Liên đoàn thật sự bị can thiệp, chúng tôi sẽ giúp đỡ. Nếu vấn đề không được giải quyết, cách tốt nhất là trừng phạt nền bóng đá đã vi phạm”.

Việc Quốc hội vẫn buộc Domenech và Escalettes giải trình giống như một động thái cố tình đi ngược lại tôn chỉ thể thao phi chính trị mà FIFA đã đề cao, dù cả 2 đã không còn là người của Liên đoàn, trong khi việc Bộ trưởng Bachelot phải trả lời những chất vấn của Quốc hội là chuyện đương nhiên. Thế nhưng nội dung phiên điều trần có thể bao gồm nhiều chi tiết có thể ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại của FFF, và đó là điều vi phạm những gì mà FIFA đã cảnh báo.

Trước đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy thậm chí còn tổ chức một cuộc họp nhỏ giữa Thủ tướng Fillon, Bộ trưởng Bachelot và tiền đạo Thierry Henry để mổ xẻ thất bại ở Nam Phi. Hậu quả có thể đến là việc các cấp độ ĐT và các CLB của Pháp sẽ bị FIFA cấm tham gia các giải đấu quốc tế. Trước đó, FIFA đã từng thực hiện lệnh cấm tương tự với Hy Lạp trong một thời gian ngắn vào năm 2006 và từng cảnh báo có thể áp dụng biện pháp ấy với các nước Ba Lan, TBN và BĐN.

Tất nhiên, việc đòi hỏi Chính trị không được phép can thiệp vào các hoạt động thể thao là một yêu cầu rất chính đáng. Thế nhưng trước hết, cách làm việc của FFF phải xóa bỏ được kiểu “dân chủ nửa mùa” dưới thời Escalettes. Ông già 75 tuổi này đã tạo dựng “vây cánh” ở Liên đoàn mạnh đến nỗi đã đem uy tín của ông ta ra để “bảo vệ” cho Domenech, để rồi bây giờ sau thất bại lịch sử của người Pháp, họ đã rút lui khá êm thấm. “Văn hóa từ chức” đã lên tiếng quá muộn mằn.

An Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm