1. Người
ta biết đến ông với nhiều chức danh. Một Giáo sư âm nhạc Nguyễn Vĩnh
Cát tu nghiệp từ Liên Xô trở về. Một Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hà
Nội Nguyễn Vĩnh Cát quyết liệt bảo vệ từng nét văn hóa thủ đô. Vậy mà
nhìn lại cuộc đời mình, ông ngẫm một chút về cuộc đời mình rồi cười
thật hóm: "Tớ chỉ là anh nhạc sĩ, anh soạn nhạc giao hưởng Nguyễn Vĩnh
Cát. Thế thôi!".
Nhạc sĩ Vĩnh Cát trong lúc sáng tác
Ở
tuổi 75, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát đã có trọn năm mươi năm mê đắm viết
nhạc giao hưởng. Bản giao hưởng đầu tiên của ông cũng là bản giao hưởng
đầu tiên của nền thanh nhạc Việt Nam sáng tác cho kịch múa "Hái hoa
dâng Bác" biểu diễn mừng sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
năm 1960. Từ đó đến nay, ông đã có cả chục bản giao hưởng trong gia tài
nghệ thuật của mình.
Hai bản giao hưởng mới nhất và lớn nhất
của ông về Hà Nội ngàn năm văn hiến dày đến 500 trang tổng phổ. Một bản
Concerto 3 chương cho đàn violon và nhạc giao hưởng với tựa đề "Đây
sông Hồng - sông Cái", một bản giao hưởng 5 chương với tựa đề "Không
chỉ là huyền thoại". Những bước chuyển lịch sử hùng tráng, những giá
trị văn hóa cội rễ của thủ đô ngàn năm một lần nữa sẽ bay lên qua từng
nốt nhạc.
Dường như nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát có một nguồn cảm
hứng bất tận với Hà Nội. Những ca khúc nổi tiếng nhất của ông từng làm
rung động biết bao trái tim khán thính giả cũng chính là những ca khúc
viết về Hà Nội. Điều đặc biệt là nguồn cảm xúc từ mỗi một chặng đường,
một biến cố lịch sử gắn với thủ đô yêu dấu đều mang lại cho ông một ca
khúc ấn tượng. Từ "Gửi bạn thủ đô" (1950), "Hà Nội của ta" (1964), "Hà
Nội, thủ đô ta đó" (1967), "Thuở ấy tình yêu" (1994) đến "Hoài niệm tên
em" (1998)…
Trong đó, hai tình khúc về Hà Nội nổi tiếng nhất của
ông phải kể đến tình khúc "Ngôi sao Hà Nội" với những ca từ làm nao
lòng bao thế hệ: "Những vì sao lấp lánh giữa bầu trời Hà Nội… Em không
làm sao Mai, anh chẳng làm sao Hôm. Chỉ làm ngôi sao không tên để gần
nhau suốt đời". Từ cảm xúc trong thi phẩm của nhà thơ Băng Sơn, ông đã
phổ thành công tình khúc "Hà Nội vào thu" giữa thời khắc đất trời Hà
Hội bước vào thiên niên kỷ mới hào hùng mà da diết yêu thương: "Hà Nội
của mình đây! Bạn xa ơi có nhớ? Thăng Long ngàn tuổi trẻ. Vàng ánh sao
vào thu".
2. Gặp gỡ
ông, tôi thực sự bất ngờ khi biết cách đây 18 năm, chính nguyên Giám
đốc sở Văn hóa Hà Nội Nguyễn Vĩnh Cát là "đồng tác giả" cùng một số nhà
trí thức trong việc đề xuất và khởi thảo chương trình hướng tới kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ những năm 1991-1992.
... và cùng cây đàn piano quen thuộc
Hơn
10 năm làm công tác quản lý văn hóa thủ đô, nhà quản lý văn hóa Nguyễn
Vĩnh Cát đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong các công trình văn hóa,
lịch sử Hà Nội. Những công trình văn hóa hướng tới Đại lễ 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội được ông và các nhà trí thức khởi thảo đến nay cũng
đã gấp rút hoàn thành như Bảo tàng Hà Nội, Làng văn hóa - du lịch các
dân tộc Việt Nam, Tượng đài Thánh Gióng ở núi Sóc Sơn, tu bổ Thăng Long
Tứ Trấn…
Với sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ, khi còn đương
chức, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã đề xuất nhiều phương án bảo tồn không gian
văn hóa của phố cổ Hà Nội và trực tiếp kiêm nhiệm Trưởng ban Quản lí Di
tích khu Phố cổ nhiều năm liền cho đến lúc nghỉ hưu. Dưới sự lãnh đạo
của thành phố Hà Nội, ông đã góp phần xây dựng khu Văn miếu - Quốc tử
Giám từ chỗ gần như một phế tích thành một trung tâm văn hóa - du lịch
bậc nhất thủ đô và cũng trực tiếp kiêm nhiệm chức danh Giám đốc đến khi
nghỉ công tác quản lý.
Ngần ấy những cống hiến nghệ thuật, những
âu lo cho một thủ đô ngàn năm văn hiến của người nghệ sĩ, của nhà quản
lí văn hóa Nguyễn Vĩnh Cát chỉ có thể xuất phát từ một nỗi niềm trăn
trở, một tình yêu Hà Nội cháy bỏng. Đã vào cái tuổi "thất thập cổ lai
hy" vậy mà bằng sự lao động nghệ thuật miệt mài của mình, nhạc sĩ Vĩnh
Cát vẫn đang lặng lẽ là một ngôi sao tỏa sáng giữa bầu trời thủ đô ngàn
năm văn hiến. Chia tay ông, giữa khí thiêng của đất trời Hà Nội, tôi
bỗng có một niềm tin chắc chắn rằng ông sẽ chẳng thể nào dừng bút vì
hồn bút ấy đã được nuôi dưỡng bằng chính linh khí của một Thăng Long -
Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nguyễn Anh Thế