29/08/2012 12:00 GMT+7 | Y tế
(TT&VH Online) - Ít ai nghĩ rằng chị Đoàn Thị Khuyên, sinh năm 1982, trưởng nhóm “Sống tích cực” - một trong các nhóm hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS tiêu biểu tại Hải Phòng - cùng chồng đã có gần 10 năm sống chung với HIV. Thế nhưng, vợ chồng chị đã vượt lên số phận để sống có ích và giúp đỡ cộng đồng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó làm nông nghiệp ở thôn Thuý Nẻo, xã Bắc Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng), chị Khuyên là con thứ 5 trong số 6 người con của gia đình. Chị kết duyên với anh Phạm Hồng Ngọc (sinh năm 1975, trú tại phường Dư Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng) và một năm sau đó anh chị có một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi con được 4 tháng tuổi gia đình phát hiện chồng chị nhiễm HIV. Sau đó, anh thú nhận đã từng sử dụng ma tuý trước khi kết hôn và dẫn đến kết cục đau lòng này. Chị như chết đứng. Lấy hết can đảm đi xét nghiệm, bác sỹ cho biết chị và con trai cũng đã bị nhiễm HIV. Từ đó, mọi người trong gia đình sợ hãi, kỳ thị, xa lánh. Trước đây, cả nhà cùng ăn một mâm cơm, nhưng giờ thì vợ chồng chị phải ăn, ở riêng, sống cô lập trên gác 2 của căn nhà 40m2. Hơn thế, khi phát hiện cả nhà bị nhiễm HIV, chồng chị lại chán nản, lao vào hút chích ma tuý. Khi con 1 tuổi, chồng qua đời để lại cho chị nỗi cô đơn, cơ cực và một đứa con thơ bệnh tật. Nhiều đêm, bế con trên tay, nhìn con khóc mà lòng chị đau đớn, xót xa. Chị thầm nhủ “Phải gắng sống để nuôi con”. Vậy là, ban ngày chị đưa con vào viện điều trị bệnh; chiều tối, chị bế con đi bán vé số để kiếm sống qua ngày.
May mắn đã đến với chị khi chị được nhân viên y tế của phường Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng) mời tham gia vào CLB Hoa Hải Đường để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Từ đây, cuộc đời chị tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt lại nhìn thấy tương lai rộng mở.
Chỉ sau vài tháng tham gia CLB, chị đã được tín nhiệm bầu làm trưởng CLB Hoa Hải Đường. Như tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cộng với sức trẻ, chị hăng say với công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng tại Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của chị gần 10 năm qua cũng đã được các cơ quan, ban ngành thành phố, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước biết đến và tạo điều kiện giúp đỡ để chị tham gia một cách tích cực, hiệu quả và chuyên sâu hơn. Thông qua các hoạt động truyền thông, “duyên trời” đưa chị gặp người đồng cảnh ngộ, sau này trở thành người bạn đời luôn động viên, chia sẻ và giúp chị thực hiện công tác cộng đồng. Đó là anh Đỗ Văn Hải, sinh năm 1980, quê ở xã Anh Dũng, huyện Kiến Thuỵ (nay là là phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng) cũng bị nhiễm HIV.
Năm 2008, một bước ngoặt mới trong cuộc đời của chị Khuyên khi được lựa chọn làm cán bộ của Cơ quan Hợp tác phát triển Italia (Cesvi) tại Việt Nam cho đến nay. Ở đó, chị đã được học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia quản lý dự án "Tăng cường Liên kết và hỗ trợ các hoạt động chăm sóc tại nhà và các dịch vụ điều trị HIV dành cho người có “H” và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV tại huyện Kiến Thuỵ và quận Dương Kinh" do Tổ chức Pact/USAID Hoà Kỳ tài trợ. Trong quá trình làm việc tại Dự án Cesvi, chị nghĩ một ngày nào đó những người nhiễm HIV phải tự lực phòng chống HIV/AIDS. Với suy nghĩ đó, chị cùng 10 anh chị em có cùng chí hướng, mục tiêu hoạt động đã quyết định thành lập nhóm tự lực mang tên “Nhóm sống tích cực Hải Phòng” do chị làm Trưởng nhóm.
Năm 2010, nhóm đã được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn là nhóm triển khai dự án “Hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam” do Hội Chữ thập Đỏ Mỹ tài trợ. Nhóm còn kết hợp với Toà giám mục Hải Phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Việt Tiệp, Hội Từ thiện, Hội LHPN thành phố làm công tác bác ái, tuyên truyền hỗ trợ cho người nhiễm và trẻ sống chung với HIV tại Hải Phòng. Khi nhóm được các tổ chức hỗ trợ đã lớn mạnh, chị cùng ban điều hành nhóm đã phải tính đến chiến lược lâu dài là sau khi các nhà tài trợ rút đi thì phải làm gì để tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Từ suy nghĩ đó, hoạt động sinh kế cho người nhiễm HIV bắt đầu được hình thành. Ý tưởng đó đã được các nhà tài trợ quan tâm. Năm 2010, nhóm được Tổ chức Chemonics Việt Nam lựa chọn mô hình sinh kế “Nuôi gà theo quy trình sinh học” do nhóm tự quản.
Từ 10 thành viên ban đầu đến nay "Nhóm sống tích cực" đã có hơn 100 thành viên tham gia. Nhóm đã gây quỹ với số vốn trên 100 triệu đồng, hỗ trợ được 35 thành viên. Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi, nhóm đang tiếp tục mở rộng mô hình như cơ sở may mặc, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cho từng thành viên.
Về phần anh Hải, chồng chị, là một nhân viên hỗ trợ tuân thủ điều trị của Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Với công việc này, anh đã giúp được bệnh nhân có “H” hiểu được lợi ích của việc tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) để kéo dài cuộc sống. Ngoài ra, anh còn là một tư vấn viên của Phòng tư vấn miễn phí do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
Những thành quả mà anh chị đã đạt được trong suốt gần 10 năm qua làm cho nhiều người thán phục. Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, năm 2011, bằng số tiền tiết kiệm được và gia đình giúp đỡ, anh chị đã xây được căn nhà khang trang 2 tầng 180m2, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất